Trong năm 2023, Petrosetco đặt kế hoạch doanh thu 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng. Như vậy, cho dù lợi nhuận 180 tỷ đồng là trước thuế hay sau thuế, Petrosetco cũng sẽ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023 mà cổ đông giao cho Ban lãnh đạo đầu năm.
Được biết, năm 2022, Petrosetco lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng nhưng kết thúc năm tài chính chỉ ghi nhận 167 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch năm. Và nếu theo dự kiến, doanh nghiệp có khả năng cao tiếp tục không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2 năm liên tiếp.
Petrosetco có khả năng cao tiếp tục không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2 năm liên tiếp. |
Đáng chú ý, trước đó, trong quý III/2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.254,27 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 51,01 tỷ đồng, giảm 30,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,9%, về còn 4,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp của Petrosetco giảm 12,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 27,66 tỷ đồng, về 197,76 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 218%, tương ứng tăng thêm 47,28 tỷ đồng, lên 68,97 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 78,4%, tương ứng tăng thêm 32,14 tỷ đồng, lên 73,13 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 1,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1,6 tỷ đồng, lên 126,03 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Petrosetco ghi nhận lỗ 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 60 tỷ đồng, tức giảm 61,4 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý III, lợi nhuận gộp của Petrosetco tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến.
Dù vậy, Petrosetco không thuyết minh cơ cấu doanh thu tài chính trong quý III, chỉ thuyết minh cơ cấu doanh thu tài chính trong 9 tháng đầu năm 2023.
Lý giải doanh thu giảm trong quý III, công ty cho biết chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận giảm do việc doanh thu bị giảm, đồng thời biên lợi nhuận gộp giảm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 13.026,17 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 94,8 tỷ đồng, giảm 46,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Petrosetco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 240 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Petrosetco hoàn thành 39,5% kế hoạch năm và cách rất xa kế hoạch lãi 240 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Petrosetco giảm 2,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 263,4 tỷ đồng, về 8.776,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu khoản mục tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.508,1 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.053,8 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.652,2 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản…
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho giảm 31,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 766,4 tỷ đồng, về 1.652,2 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 20,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 587,6 tỷ đồng, lên 3.508,1 tỷ đồng…
Trái với kết quả kinh doanh ảm đạm, trên thị trường, cổ phiếu PET lại đang ghi nhận đà hồi phục tốt khi kể từ vùng đáy gần nhất (ngày 31/10) là 21.050 đồng/cp, đến nay, PET đã hồi phục hơn 31%, dừng ở mức giá 27.600 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đó, ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT Petrosetco đã đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PET. Giao dịch được thực hiện từ ngày 24/11 đến ngày 23/12 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Ông Phùng Tuấn Hà cho biết mục đích bán cổ phiếu lần này là vì nhu cầu cá nhân.
Ông Hà hiện đang nắm giữ hơn 5,26 triệu cổ phiếu PET, tỷ lệ 4,9%. Nếu giao dịch hoàn tất, Chủ tịch Petrosetco sẽ giảm sở hữu xuống còn hơn 3,26 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,04%.
Châu Anh