Hai thành viên HĐQT Tập đoàn Novaland cùng từ nhiệm trong một ngày. (Ảnh: Int) |
Novaland đang từng bước tiến hành thực hiện tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm đưa ra những cấu trúc và giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các bên liên quan. Việc thay đổi thành viên HĐQT nằm trong đề án tái cấu trúc của Công ty.
Cụ thể, trong đơn từ nhiệm ký ngày 21/2, ông Bùi Xuân Huy cho biết quyết định này đưa ra theo định hướng tái cấu trúc của Novaland và nguyện vọng cá nhân để tập trung chuyên môn liên quan việc quản lý xây dựng và triển khai dự án cũng như các công việc liên quan khác theo phân nhiệm. Trước đó, ông Huy từng giữ chức Tổng giám đốc Novaland 2 nhiệm kỳ liên tục, bắt đầu từ tháng 9/2017. Đến tháng 1/2022, ông Huy thay ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch cho đến đầu tháng 2/2023, khi ông Bùi Thành Nhơn quay lại dẫn dắt công ty.
Đáng chú ý, cùng ngày, bà Hoàng Thu Châu cũng đã nộp đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Novaland với lý do “để tập trung quản lý tại NovaGroup". NovaGroup hiện là cổ đông lớn nhất của Novaland và là nơi bà Châu đang giữ chức Tổng giám đốc.
Trước khi từ nhiệm, cả ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu đều thoái một phần vốn bằng phương thức thỏa thuận. Cụ thể, ông Huy bán gần 15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 72,5 triệu xuống 57,8 triệu cổ phiếu (tương ứng 2,96% vốn Novaland). Bà Châu cũng bán gần 2,3 triệu cổ phiếu, hiện còn nắm giữ khoảng 4 triệu cổ phiếu.
Trong thông báo vừa phát đi, Novaland cho biết thay đổi nhân sự lần này nằm trong đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, công bố cuối tháng 11 năm ngoái. Trong đó, công ty cho hay sẽ thay đổi cơ cấu HĐQT, điều chỉnh số lượng thành viên từ 7 xuống 5 trước khi bầu lại thành viên mới cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài ra, công ty sẽ cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Công ty luật YKVN đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
Sự biến động nơi “thượng tầng” của Novaland diễn ra trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh khi doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 sụt giảm mạnh, đặc biệt là vấn đề liên quan đến trái phiếu trong thời gian gần đây.
Trên sàn chứng khoán, đà giảm của cổ phiếu đang phản ánh một phần những khó khăn. Sau phiên giảm sàn 22/2, chốt phiên sáng 23/2, cổ phiếu NVL tiếp tục lùi về mức 11.500 đồng/cp - mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu NVL. Như vậy, tính từ đỉnh hồi giữa năm 2021, cổ phiếu NVL hiện đã "bốc hơi" hơn 87% thị giá.
Trước đó, trong giai đoạn cuối tháng 11/2022, cổ phiếu NVL đã từng ghi nhận chuỗi giảm sàn 9 phiên liên tiếp trong tình trạng “ế hàng”. Sau 5 phiên được “bộ đội” giải cứu, cổ phiếu tiếp tục quay đầu giảm sàn 5 phiên liên tiếp trong thời điểm đầu tháng 12/2022. Sau đó, cổ phiếu đã chững lại trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Châu Giang