Cụ thể, bộ 3 cổ phiếu HPG, HSG, NKG bật tăng khá mạnh ngay từ đầu phiên với thanh khoản khá tốt, và ở top sau như POM, TLH, SMC cũng nóng dần lên.
Tạm dừng phiên sáng, cổ phiếu SMC đã kéo trần thành công và dư mua trần khá lớn, bên cạnh TLH, NKG, HSG, POM đều tăng trên dưới 5%, HPG cũng tăng 3%. Đồng thời, thanh khoản HPG vượt trội, vươn lên dẫn đầu thị trường với hơn 27,3 triệu đơn vị khớp lệnh; còn HSG và NKG cũng đạt khối lượng khớp lệnh khá cao, lần lượt đứng thứ 6 và 7 trong top 10.
Thanh khoản cổ phiếu HPG vượt trội, vươn lên dẫn đầu thị trường với hơn 27,3 triệu đơn vị khớp lệnh. |
Diễn biến của cổ phiếu thép cùng thanh khoản vượt trội đang gây bất ngờ khá lớn với toàn thị trường, bởi sau thông tin giá điện điều chỉnh tăng thêm mang đến dự báo kém tích cực cho lợi nhuận ngành thép.
Mirae Asset cho rằng một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có nhóm thép. Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Công ty chứng khoán này ước tính, chi phí điện tăng 4,5% làm cho giá vốn tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.
Song thực tế, việc chuyển tiếp chi phí cho người tiêu dùng là không dễ. Riêng với ngành thép, giá thép xây dựng trong nước vẫn đang liên tục sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ chậm. Đồng thời, thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc và áp lực từ thép nhập khẩu khiến giá thép nội địa chịu tác động lớn. Sau 19 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, giá thép Hòa Phát các loại đã rơi xuống vùng 13-14 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mặt khác, báo cáo tài chính quý III/2023 được công bố mới đây cho thấy nhiều doanh nghiệp thép vẫn chưa thể thoát “vũng lầy” thua lỗ, sụt giảm doanh thu và lợi nhuận do tiêu thụ kém.
VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023 dựa trên 2 tiêu chí. Đó là nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Đồng thời, thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Châu Anh