Thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) mở cửa vào lúc 8h45’ sáng ngày 10/08 với bốn mã Hợp đồng tương lai được giao dịch, bao gồm: Hợp đồng cho tháng Tám (VN30F1708), với giá tham chiếu 758; Hợp đồng cho tháng kế tiếp (VN30F1709) có giá tham chiếu 756.4; Hợp đồng tương lai cuối quý gần nhất (VN30F1712) có giá tham chiếu 752.1 và Hợp đồng tương lai cuối quý tiếp theo (VN30F1803) có giá tham chiếu 748.1.
Phiên giao dịch đầu tiên khá ổn
Theo các chuyên gia chứng khoán, phiên giao dịch phái sinh đầu tiên nhìn vào khá ổn, trái ngược với việc nhà đầu tư lo ngại sẽ không có thanh khoản trên thị trường phái sinh.
Kết thúc phiên giao dịch CKPS đầu tiên, Hợp đồng tương lai tháng Tám dẫn đầu về khối lượng giao dịch khi khớp lệnh 217 đơn vị, Hợp đồng tương lai tháng Chín khớp lệnh 39 đơn vị trong khi Hợp đồng tương lai quý III và quý IV năm 2017 giao dịch với khối lượng khiêm tốn hơn, lần lượt là 9 và 10 đơn vị.
Cả ba chỉ số cho tháng Tám, tháng Chín và quý III năm 2017 đều giảm điểm, trong đó: VN30F1708 giảm 9,1 điểm (-1,2%) còn 748,8 điểm; VN30F1709 giảm 5,4 điểm (-0,71%); VN30F1712 cũng giảm 1,1 điểm; còn VN30F1803 kết thúc phiên tăng giá nhẹ so với tham chiếu.
Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, giá VN30F1708 giảm 12,1 điểm xuống mức 745,9. Tổng khối lượng giao dịch CKPS đạt 487 hợp đồng với giá trị giao dịch 36,51 tỷ đồng.
![]() |
Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, giá VN30F1708 giảm 12,1 điểm xuống mức 745,9. Tổng khối lượng giao dịch CKPS đạt 487 hợp đồng với giá trị giao dịch 36,51 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường chứng khoán, thị trường CKPS vẫn còn quá lạ lẫm với nhà đầu tư Việt Nam nên ngày đầu tiên giao dịch thanh khoản đạt hơn 36 tỷ đồng là khá ổn so với mong đợi của thị trường. Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, thị trường phái sinh sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nhỏ bởi vì họ sẽ dần quen với cách giao dịch mới, cũng như dần am hiểu thị trường hơn.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh doanh, đại diện Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong quá trình xây dựng thị trường CKPS, dựa vào định hướng của Chính phủ, đi từ sản phẩm đơn giản tới sản phẩm phức tạp, HNX đã lựa chọn hai loại sản phẩm sẽ ra mắt đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ – hai sản phẩm phái sinh đơn giản nhất cho nhà đầu tư làm quen.
Nhà đầu tư vẫn thận trọng
Thị trường CKPS có cách thức giao dịch hoàn toàn mới so với thị trường chứng khoán cơ sở. Do đó, các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, giao dịch trên thị trường vẫn chủ yếu là các tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, thời gian tới, thị trường CKPS sẽ là kênh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với chỉ số cổ phiếu làm tài sản cơ sở, hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua/bán với một rổ cổ phiếu thay vì từng loại cổ phiếu và khó nắm giữ đúng tỷ lệ từng mã chứng khoán tương tự như rổ cổ phiếu của chỉ số, và nhờ đó sẽ giảm thiểu các chi phí giao dịch phát sinh.
Theo HNX, việc giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra tương tự như với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận với các loại lệnh vẫn đang được sử dụng trên thị trường.
Các hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào hợp đồng tương lai.
Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó, nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, bước đầu thị trường CKPS áp dụng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là rất thích hợp. “Hy vọng sau này sẽ có những sản phẩm phái sinh mới thích hợp hơn nữa”, Ts. Hiếu chia sẻ quan điểm.
Dưới góc độ một chuyên gia chứng khoán, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) – cho rằng: “Đây là thị trường mới nên cần có cách nhìn đúng mực và không nên kỳ vọng quá cao. Chúng tôi nghiêng về quan điểm giai đoạn đầu là để nhà đầu tư có cơ hội trải nghiệm về phái sinh”.
Hiện nay, trong khu vực ASEAN, ngoài Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam là quốc gia thứ 5 có thị trường CKPS và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.
Huyền Anh