Đã có 21 nhà đầu tư đã đặt mua tổng cộng hơn 14,3 triệu cổ phần, gấp 6,3 lần lượng chào bán là 2,26 triệu cổ phần.
Viện Dệt may Việt Nam là đơn vị trực thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam, hoạt động theo loại hình tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ độc lập, chuyên sản xuất sợi, sản phẩm dệt, phụ liệu may mặc, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dệt may…
Kinh doanh èo uột
Ngày 12/3 tới đây, Viện nghiên cứu Dệt may – CTCP (VTRI) sẽ bán đấu giá 2,263 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phiếu. Nếu phiên đấu giá thành công, Nhà nước thu về tối thiểu 28,4 tỷ đồng. Với “sức nóng” hiện có, nhiều khả năng giá trúng sẽ cao hơn nhiều giá khởi điểm.
Mặc dù thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư, nhưng tình hình kinh doanh của Viện nhiều năm gần đây lại không mấy sáng sủa.
Trong giai đoạn 2014-2016, doanh thu của Viện chỉ đạt trung bình 76,26 tỷ đồng/ năm. Năm 2017, doanh thu giảm mạnh về 57 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 608 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 3 năm trước đó (2,1 tỷ đồng).
Điểm sáng duy nhất trong những con số tài chính của Viện là trong suốt thời gian qua không có nợ vay ngân hàng.
Lý giải về nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, lãnh đạo Viện cho biết do Bộ Công Thương bãi bỏ Thông_ tư 37/2017 ngày 30/10/2015 quy định mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm Azo trong sản phầm_ dệt may, doanh thu của Viện theo Thông tư 37 không còn.
Được biết, trong giai đoạn 2014 – 2017, doanh thu từ các dịch vụ thuộc Thông tư 37 chiếm 40% tổng doanh thu của Viện Dệt may.
Từ ảnh hưởng Thông tư 37, kế hoạch kinh doanh trong tương lai của Viện cũng không có khởi sắc cả về doanh thu và lợi nhuận. Thậm chí năm 2018, dự kiến doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu, lần lượt đạt 49 tỷ đồng và 1,18 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, bên cạnh 45,23% vốn được đem ra đấu giá, Viện Dệt may sẽ bán tiếp 45,26% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, 9,48% vốn bán ưu đãi cho người lao động, Nhà nước không nắm giữ cổ phần nào.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang lên phương án mua lại hơn 45% cổ phần của Viện dệt may, giữ vai trò cổ đông chiến lược. Ngoài ra chưa lộ diện thêm doanh nghiệp nào thực sự muốn trở thành cổ đông chiến lược của Viện.
![]() |
Đến thời điểm này, mới chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang lên phương án mua lại hơn 45% cổ phần của Viện dệt may.
Đất vàng không được kinh doanh
Theo lãnh đạo của Vinatex, không quá khó hiểu với sự thờ ơ của các nhà đầu tư trong việc trở thành cổ đông chiến lược của Viện. Vì ngoài diện tích “đất vàng”, các nhà đầu tư ngoài ngành sẽ không nhìn thấy cơ hội khi bỏ vốn đầu tư vào đơn vị này. Thế nhưng, lợi thế duy nhất của Viện lại đang bị hạn chế chức năng sử dụng.
Hiện, tại Hà Nội, Viện Dệt may đang sở hữu 2 khu đất tại số 478 Minh Khai là trụ sở của Viện, với diện tích 2.851m2. Ngoài ra, Viện cũng sở hữu 5.311m2 đất tại ngõ 454/24 Minh Khai.
Cả hai khu này đều đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và xưởng thực nghiệm. Nhà nước cho thuê đất và miễn phí tiền thuê đối với 8.200 m2 đất này tới năm 2043.
Tại Tp.HCM, Viện cũng sở hữu khu đất tại 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1 với diện tích gần 2.220 m2, cũng được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu, xưởng thực nghiệm và giới thiệu sản phẩm. Thực tế, đây đều là những lô đất sạch hiếm hoi còn sót lại ở Hà Nội và Tp.HCM.
Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, cả 3 khu đất với tổng diện tích trên 10.000m2 này sẽ tiếp tục phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, đào tạo, chứng nhận sản phẩm, sản xuất thực nghiệm và giới thiệu sản xuất như hiện trạng, và không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia luật cho biết, trường hợp quỹ đất của Viện dệt may có sự đặc biệt là được thuê đất miễn phí, thì coi như nó là của đơn vị. Đây là kẽ hở rất lớn khi nhiều khu đất vàng không được tính đến khi cổ phần hóa doanh nghiệp và tạo kẽ hở bị thất thoát tài sản nhà nước.
Mặc dù phương án cổ phần hóa Viện khẳng định sử dụng nguyên trạng diện tích đất và tài sản trên đất như các ưu đãi trước đây, đưa ra yêu cầu đối với nhà đầu tư chiến lược là phải cam kết bằng pháp luật bằng hợp đồng là duy trì Viện thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, thử nghiệm phát triển. Nhưng sẽ khó để đảm bảo mục tiêu này khi Viện đã trở thành công ty cổ phần.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp nhà nước đã kinh doanh, sử dụng đất đai không đúng mục đích sau khi cổ phần hóa gây thất thoát ngân sách và lãng phí hạ tầng.
Linh Đan