Bà Nguyễn Thị Gấm sinh năm 1970, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành tài chính kiểm soát và có chứng chỉ hành nghề kế toán kiểm toán quốc tế ACCA - UK. Bà có 30 năm kinh nghiệm kế toán tại các ngân hàng, trong đó có 16 năm tại LPBank khi bắt đầu gia nhập ngân hàng vào năm 2008. Ngoài vị trí Phó tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Gấm còn từng đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng của nhà băng này.
Ông Lê Anh Tùng sinh năm 1972, tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Ông có 24 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng, trong đó có hơn 15 năm tại LPBank. Ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc LPBank kể từ ngày 1/6/2019 đến nay.
LPBank vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. |
Sau quyết định miễn nhiệm, ban điều hành LPBank hiện còn lại 7 thành viên gồm Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến, 5 phó tổng giám đốc và một phó tổng giám đốc thường trực.
Vào tháng 6 vừa qua, LPBank cũng miễn nhiệm 2 Phó tổng giám đốc gồm bà Lê Thị Thanh Nga và ông Nguyễn Thanh Tùng theo nguyện vọng cá nhân. Đây đều là những nhân sự gắn bó lâu năm với LPBank khi gia nhập nhà băng này từ giai đoạn 2008 - 2009.
Trước đó, LPBank đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng này. Theo đó, cổ đông cá nhân đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại LPBank là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT và những người liên quan.
Cụ thể, ông Thụy đang nắm hơn 70,7 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,76% vốn điều lệ. Trong khi đó, những người liên quan nắm giữ hơn 3,8 triệu cổ phiếu LPB, tương ứng 0,0002% vốn điều lệ.
Một cổ đông tổ chức nắm giữ trên 1% vốn điều lệ LPBank là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, với hơn 167 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,54% vốn điều lệ.
Loạt nhân sự cấp cao tại LPBank miễn nhiệm trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 nhằm trình cổ đông bầu bổ sung thành viên HĐQT và điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.
Đối với phương án tăng vốn điều lệ, HĐQT LPBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 16,8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu LPB sẽ được nhận 168 cổ phiếu mới.
Phương án tăng vốn này nhằm thay thế cho phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vốn đã được LPBank tạm dừng vào cuối tháng 6/2024.
Nếu phương án tăng vốn mới được thông qua, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên hơn 29.873 tỷ đồng, nằm trong Top các nhà băng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống.
Kể từ năm 2018 đến nay, LPBank liên tục tăng thêm vốn điều lệ quy mô lớn từ 20% - 47% mỗi năm thông qua các hình thức khác nhau, chủ yếu là là chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông. Riêng trong năm ngoái, ngân hàng này đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tương đương gần 3.300 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo LPBank, việc tăng vốn điều lệ là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 4/9, cổ phiếu LPB giảm về mức 30.850 đồng/cp. Vốn hoá của ngân hàng theo đó đạt gần 79.000 tỷ đồng.
Châu Anh