Đà tăng tích cực này không chỉ được hỗ trợ bởi "chất xúc tác" giá dầu mà thời gian gần đây, nhóm dầu khí nói chung, PV Drilling còn liên tiếp đóng nhận thông tin quan trọng liên quan đến chuỗi dự án khí - điện Lô B. Mới nhất, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công thương đã yêu cầu các nhà đầu tư trong chuỗi dự án này khẩn trương thực hiện hàng loạt các công việc.
Thứ nhất, PVN, EVN phối hợp với các Bên nước ngoài và Chủ đầu tư các nhà máy điện (NMĐ) Ô Môn thống nhất và ký kết các Thoả thuận thương mại (GSPA, GSA, PPA) để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 3/2024, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án mỏ khí Lô B (thượng nguồn) để đảm bảo mục tiêu First Gas (dòng khí đầu tiên) vào cuối năm 2026.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn (trung nguồn) tích cực thúc đẩy công việc Dự án, đảm bảo đồng bộ với tiến độ triển khai Dự án thượng nguồn.
Đồng thời, PVN, EVNGENCO2 và Công ty TNHH Điện Ô Môn II sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các Dự án NMĐ (sử dụng khí Lô B) tại Trung tâm điện lực Ô Môn để triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ với tiến độ của các Dự án thượng nguồn và trung nguồn.
Cổ phiếu PVD bứt phá lên đỉnh 9 năm ở mức giá 32.900 đồng/cp. |
SSI Research nhận định, trong năm 2024, với dự báo giá dầu khó tăng mạnh, dự án Lô B - Ô Môn vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiết để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Bộ phân phân tích cho rằng, tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.
Trước đó, một thông tin quan trọng có tác động đến ngành dầu khí toàn cầu trong đó có Việt Nam là việc Saudi Aramco hoãn mở rộng khai thác dầu. Theo đó, "đại gia" Trung Đông đã hủy bỏ các gói thầu trị giá hơn 10 tỷ USD cho các hợp đồng EPCI nhằm mở rộng mỏ dầu Safaniyah khổng lồ của công ty, sau yêu cầu của Bộ Năng lượng nhằm hủy bỏ kế hoạch tăng công suất bền vững tối đa (MSC) từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày trong năm 2027.
Mặt khác, thị trường giàn khoan tự nâng trên toàn cầu đang đối mặt khủng hoảng nguồn cung nghiêm trọng, khiến giá thuê giàn khoan lên cao nhất hơn 10 năm. Các chuyên gia đánh giá việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ khoan như PV Drilling.
Theo VNDirect Research, các giàn khoan của PV Drilling nhiều khả năng sẽ sớm ký kết được thêm hợp đồng cho giai đoạn từ năm 2026 trở đi.
Đáng chú ý, kể từ năm 2025, khi loạt dự án dầu khí trọng điểm trong nước được triển khai như chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng pha 2B và một số dự án phát triển, mở rộng mỏ hiện hữu khác, nhu cầu khoan sẽ tăng lên đáng kể. Theo đó, hiệu suất sử dụng giàn khoan của PV Drilling có thể duy trì trên mức 90% trong giai đoạn 2026 - 2027.
Kết quả kinh doanh của PV Drilling dự kiến còn được thúc đẩy bởi việc đưa vào hoạt động giàn khoan mới với mức đầu tư khoảng 90 triệu USD. Bên cạnh đó, PV Drilling đang xem xét việc huy động một giàn khoan thuê ngoài để phục vụ cho hai chiến dịch khoan của Idemitsu và Murphy Oil tại Việt Nam.
Châu Anh