Tuần trước, áp lực bán chốt lời có dấu hiệu gia tăng khiến các chỉ số đón nhận những nhịp điều chỉnh, nhưng với sự hoạt động tích cực của dòng tiền mạnh, các chỉ số chính của thị trường vẫn duy trì được đà tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa
Trong khi nhiều mã lớn như VNM, VIC, MSN, GAS… đón nhận tuần giao dịch điều chỉnh thì cổ phiếu VJC của công ty cổ phần Hàng không VietJet lại bùng nổ. Chỉ duy nhất phiên giữa tuần giao dịch trong sắc đỏ nhạt, còn lại, cổ phiếu này có tới 4 phiên tăng mạnh, trong phiên cuối tuần được kéo lên giá trần và khớp lệnh hơn 1,8 triệu đơn vị.
Một trong những nguyên nhân khiên cổ phiếu này bùng nổ là VJC được thêm vào rổ VN30 kỳ này (hiệu lực từ 22/1 đến 20/7).
Một cổ phiếu khác cũng có tên trong rổ VN30 là PLX cũng có một tuần giao dịch tràn ngập sắc xanh, tại phiên cuối tuần qua, PLX tăng 5.100 đồng, tương đương 5,88% lên 91.900 đồng/cp.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (19/1), các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VRE, BVH… đều đồng loạt bứt phá rất mạnh. VRE tăng 6,09%, tương đương 3.500 đồng lên 61.000 đồng/ cp, khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu trong phiên. HPG tăng 6,61%, lên 19.700 đồng/cp, khớp lệnh hơn 7,2 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, trong phiên cuối tuần, VNM quay về mốc tham chiếu 205.600 đồng/cp, VIC đảo chiều giảm nhẹ xuống 84.000 đồng/cp, GAS giảm sâu xuống mức thấp nhất ngày 99.000 đồng/cp, SAB cũng mất gần 1% xuống mức 255.500 đồng/cp. Đáng kể nhất phải kể đến MSN bất ngờ lao dốc mạnh với mức giảm gần 5%, xuống mức 87.500 đồng/cp.
Cùng với cổ phiếu lớn sụt giảm mạnh, các mã khác trong nhóm dầu khí cũng đều lui về mức giá thấp nhất trong ngày. Giảm mạnh nhất phải kể đến PVD, đây là phiên cuối cùng được nằm trong rổ VN30, cổ phiếu này giảm mạnh 1.000 đồng, xuống còn 26.200 đồng/CP và khớp lệnh 6,3 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, một cổ phiếu khác sẽ không còn nằm trong danh mục của VN30 từ phiên 22/1 là KBC cũng giảm sâu 300 đồng, xuống 13.800 đồng/cp.
![]() |
Kỳ vọng có thêm tuần giao dịch sôi động
Nhóm nhỏ chưa nhiều khởi sắc
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã quen thuộc cũng giảm khá mạnh như AMD giảm gần hết biên độ 6,8%, xuống sát giá sàn 7.900 đồng/cp, HAI giảm 6,76% xuống mức giá 6.900 đồng/cp, HAG giảm 1,8% xuống mức 8.150 đồng/CP, HNG giảm 2,35% xuống mức 9.160 đồng/cp, KBC giảm 2,13% xuống mức 13.800 đồng/cp…
Tuy nhiên, tại nhóm cổ phiếu này, mặc dù giảm giá nhưng AMD, HAI, SBT và HAG đều có khối lượng khớp lệnh “khủng”, lên đến hơn 10 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu STB vẫn là mã thanh khoản tốt nhất thị trường với 28,63 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Tuy vậy, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (mã: STB), đã không mua được bất kỳ cổ phiếu STB nào trong tổng số 1 triệu cổ phiếu STB đăng ký mua từ ngày 21/12/2017 đến 19/1/2018 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nguyên nhân, theo giải thích, là do điều kiện thị trường không phù hợp. Như vậy, ông Minh hiện vẫn nắm giữ hơn 62,56 triệu cổ phiếu STB, tỷ lệ 3,47%.
Trong tuần qua, toàn bộ 266,8 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt nam (Gelex) chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE từ ngày 18/1, ngay trong phiên chào sàn, GEX đã tăng kịch biên độ lên 30.100 đồng/ cp. Một điểm sáng nữa của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là “tân binh” VPG.
Bộ đôi GEX và VPG chỉ giao dịch 2 phiên trong tuần qua nhưng với sắc tím ổn định, đã giúp 2 mã này có chỗ đứng khá cao trong bảng xếp hạng những cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua.
Một cái tên gây chú ý khác là PIT của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex, với kết quả kinh doanh khá “bết bát”, nhưng đã đón nhận 5 phiên tăng mạnh trong tuần qua, trong đó có tới 4 phiên tăng trần. Cổ phiếu PIT đã được kéo từ mức giá 6.060 đồng/CP lên mức 8.000 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 32%.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt, Vn-Index đã tăng 1,13%, lên mức 1062,07 điểm, qua đó tiến sát vùng đỉnh cũ 1067,27 điểm. Diễn biến này giúp chỉ số có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp và tiếp tục củng cố xu hướng tăng điểm trung hạn.
Trong tuần, dòng tiền sẽ vẫn tập trung chủ đạo ở nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm ngân hàng trong tuần kế tiếp. Với góc nhìn trung hạn trên khung thời gian tuần, xu hướng tăng tiếp tục được củng cố với đích đến kỳ vọng gần nằm tại 1080 điểm và xa hơn là 1100 điểm.
Chiến lược chủ yếu chọn lựa các cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số – cụ thể là nhóm cổ phiếu VN30 – những cổ phiếu chưa tăng nhiều hay còn dư địa tăng thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…, là những lựa chọn tối ưu hơn cả.
Linh Đan