Kusto đầu tư tại Việt Nam từ năm 2005 với 10 thương vụ trải dài trên nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải và logistics, bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Tích cực đầu tư
CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) là một trong những khoản đầu tư được xem là rất thành công của Kusto Group tại Việt Nam. Nhóm này bắt đầu rót vốn vào Coteccons từ năm 2012 khi mua vào 10,4 triệu cổ phiếu CTD trong đợt phát hành cho cổ đông chiến lược với giá 50.000 đồng/cp và ghi nhận kết quả tích cực cùng với doanh nghiệp. Với giá cổ phiếu tăng cao, Kusto có tỷ suất sinh lời không nhỏ tại doanh nghiệp xây dựng này.
Từ năm 2014, nhóm Kusto đã liên tục tăng sở hữu tại Coteccons thông qua công ty “chân gỗ” là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.
Hiện tại, nhóm những nhà đầu tư liên quan đến Kusto đang nắm giữ 35,7% cổ phần có quyền biểu quyết của Coteccons, bao gồm Kustocem nắm giữ 18,6%, Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm giữ 14,97%, Talgat Turumbayev – thành viên HĐQT Coteccons nắm giữ 2,13%; đồng thời có 4/7 thành viên HĐQT trong ban lãnh đạo của Coteccons.
Coi Việt Nam là thị trường trọng điểm để đầu tư nhưng các doanh nghiệp dưới tời Kusto đều làm ăn lẹt đẹt. |
Kusto còn được biết đến khi đầu tư vào một số công ty trên sàn chứng khoán, tiêu biểu là CTCP Gemadept (mã: GMD). Tháng 7/2014, Recollection Pte Ltd chính thức trở thành cổ đông lớn của Gemadept với sở hữu hơn 12% cổ phần.
Recollection là một thành viên của Kusto, ông Talgat Turumbayev - Giám đốc Kusto Real Estate cũng chính là Giám đốc của Recollection. Từ đầu năm 2019, Recollection bắt đầu thoái vốn khỏi Gemadept và không còn là cổ đông lớn từ tháng 3/2019.
Ngoài ra, thông qua CTCP Bất động sản Bình Thiên An (Kusto nắm giữ 49%), Kusto đã đầu tư vào CTCP Beton 6 (mã: BT6), CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon (mã: DCC); Vinafco (mã: VFC), nhưng đã thoái vốn hồi cuối năm 2016.
Một khoản đầu tư cũng khá nổi bật khác liên quan đến Bình Thiên An là dự án khu căn hộ cao cấp Đảo Kim Cương ở quận 2, TP.HCM với tổng số vốn 500 triệu USD.
Đến năm 2016, Kusto đã trực tiếp tiếp quản dự án Đảo Kim Cương với tư cách không chỉ là chủ sở hữu hay nhà đầu tư, mà còn là đơn vị phát triển và vận hành dự án. Dự án này được tái khởi động với một cái tên mới – Kusto Home, được xây dựng bởi Coteccons.
Bên cạnh đó, Kusto cũng đầu tư lớn vào lĩnh vực xi măng với CTCP Vật Liệu Xây Dựng Việt Nam (Starcemt). Đây là công ty được thành lập vào năm 2008 với nhà máy ban đầu ở Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), đạt công suất 2 triệu tấn xi măng/năm. Đầu năm 2017, Siam Cement Group (Thái Lan) đã quyết định mua lại 100% cổ phần Starcemt với giá 155 triệu USD.
Kusto cũng quan tâm đến lĩnh vực y tế khi đầu tư vào iCare (trước đây là MobiVi) và có 2/7 ghế trong HĐQT; phòng khám tư nhân Medelab nhưng tháng 10/2019 đã chuyển nhượng 72% cổ phần cho CTCP Quản lý đầu tư An Thịnh.
Miệt mài... kéo lùi doanh nghiệp
Trong một phát biểu cách đây không lâu, ông Bolat Duisenov- Tổng giám đốc Kusto Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, khi mới bước chân vào Việt Nam 15 năm trước đã nhìn thấy đây là một thị trường đang chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng. Do đó, với vai trò của nhà đầu tư nước ngoài, Kusto mong muốn mang những kinh nghiệm quản trị, phát triển của thế giới để góp phần hình thành nên một nền kinh tế mở, tăng trưởng mạnh mẽ và lâu dài.
Tuy nhiên, tại những doanh nghiệp mà Kusto đang nắm quyền lại đang trưng ra một bức tranh mang gam màu xám lạnh.
Theo đó, mới đây, Coteccons đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2021 với doanh thu đạt 5.119 tỷ đồng giảm mạnh 32% so với cùng kỳ, lãi sau thuế giảm 65% còn 99 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ giảm tới 90,4% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 29% chỉ tiêu doanh thu và kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Đây là quý thứ 3 liên tiếp, doanh thu và lợi nhuận của công ty sụt giảm so với cùng kỳ kể từ khi nhóm Kusto lên nắm quyền kiểm soát từ tháng 10/2020.
Đến nay, dù ban lãnh đạo mới có những công bố về các kế hoạch kinh doanh mới, nhưng với những nhà đầu tư vào cổ phiếu CTD vẫn có nhiều câu hỏi, đặc biệt là bài toán giành thị phần và trở lại vị thế như từng vốn có.
Tại Descon, Kusto chính thức nhận chuyển giao quyền lực cuối năm 2010 khi chủ tịch HĐQT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Bản rời đi sau 20 năm gắn bó. Ngay sau đó, Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Cũng kể từ đó, Descon gần như "bặt tăm" trên thị trường.
Đến cuối năm 2018, Descon đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Tòa án Nhân dân TP.HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (tức Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.
Beton 6 cũng rơi vào tình cảnh bi đát tương tự. Từng được nhiều tổ chức đầu tư khi niêm yết nhưng sau khi nắm quyền tại Beton 6, nhóm cổ đông Bình Thiên An lại đồng ý quyết định huỷ niêm yết để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhưng trái với mong đợi, Beton 6 lại rơi vào chuỗi khủng hoảng, bắt đầu lỗ lớn từ năm 2017 và gặp nhiều khó khăn về tài chính, chờ hoàn tất thủ tục phá sản.
Minh Khuê