Nguyên nhân của sự cố ngày 22/1/2018 vừa qua đối với hệ thống giao dịch của HoSE được xác định là từ phần mềm khớp lệnh. Sau đó, các chuyên gia đã vá lỗi trong ngày 23/1. Ngày 24/1, HoSE đã tổ chức hai phiên kiểm thử giả lập với các công ty chứng khoán trên toàn thị trường dưới sự giám sát của các chuyên gia.
Sự cố hy hữu tại HoSE xảy ra vào lúc 14 giờ 31 phút ngày 22/1 trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Theo đó, hệ thống không thể khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa, khiến hàng ngàn lệnh giao dịch trị giá hàng ngàn tỷ đồng bị kẹt lại.
Nhà đầu tư lạc quan
Sự cố trên đã khiến HoSE phải ngừng giao dịch trong cả hai phiên 23 và 24/1. Đây là lần ngừng giao dịch dài nhất của HoSE kể từ lần đóng cửa kéo dài ba ngày vào tháng 5/2008 do trục trặc máy tính.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam vẫn lạc quan sau sự cố trên, với dẫn chứng là sàn HNX vẫn tăng điểm và VN-Index tiếp tục tăng trưởng.
Cụ thể, sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chứng kiến chỉ số HNX Index tăng 1,1% vào thứ tư (24/01) lên mức cao nhất kể từ tháng 09/2010, thị trường OTC cũng tăng 0,7%. Chỉ số VN Index là một trong 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới năm 2017. Năm nay, VN Index tiếp tục tăng 10% và duy trì trong top các chỉ số tăng trưởng tốt.
Đánh giá về tác động của sự cố tại HoSE, ông Huỳnh Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty chứng khoán SJCS cho hay, sự cố này không gây thiệt hại gì cho nhà đầu tư, bởi giao dịch chứng khoán chưa khớp lệnh thì hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán vẫn còn nguyên.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho hay đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải.
Ông Dũng lưu ý nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường.
Thêm một dẫn chứng về sự lạc quan của các nhà đầu tư là ngay khi HoSE mở cửa phiên giao dịch ngày 25/1, dòng tiền ồ ạt chảy vào, đặc biệt là vào các bluechip.
Bất chấp việc HoSE chưa đưa thêm bất cứ thông tin nào về về các phương án khắc phục hậu quả của phiên ATC bị lỗi ngày 22/1 và các vấn đề liên quan đến Margin, thanh toán bù trừ cho 2 ngày 23 và 24/1 không thể giao dịch.
![]() |
Khôi phục hoạt động, tiền ồ ạt đổ vào HoSE
Bluechips tăng vọt
Dòng tiền sau hai ngày bị “kìm nén” đã nhanh chóng chảy vào HoSE, đẩy các nhóm cổ phiếu “hot” như ngân hàng, dầu khí tăng mạnh. Chỉ sau hơn 30 phút giao dịch ngày 25/1, VN-Index đã tăng vọt, vượt qua ngưỡng 1.100 điểm, tương đương xấp xỉ 21 điểm.
Trong phiên sáng, tuy sắc xanh không chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng rất nhiều mã vốn hóa lớn, Bluechips nhận được lực mua lớn đã tăng mạnh.
Hàng loạt mã đua nhau tăng giá và nhận được lực cầu lớn như MBB, SSI, PVD, HPG, CTG, BID, VCB, VPB, VIC, VRE, PLX… Bên cạnh đó là sự trợ giúp đắc lực từ hai mã vốn hóa lớn rất đáng chú ý là GAS và VJC, khi tiếp tục dắt tay nhau tăng lên mức giá trần ngay từ sớm.
Về cuối phiên giao dịch, nhiều bluechips chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm điểm, song nhóm cổ phiếu giữ vai trò “đầu kéo” là ngân hàng và dầu khí vẫn giữ được phong độ, nổi bật là sắc tím của GAS, PVD, VCB và BID. VJC cũng tiếp tục giữ được sắc tím tới cuối phiên, góp phần không nhỏ vào đà tăng chung của chỉ số Vn-index.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù gặp phải đôi chút áp lực nhưng vẫn duy trì được sự hưng phấn. VPB tăng 6,4% lên 52.400 đồng/cp, MBB tăng 6,07% lên 29.700 đồng/cp; STB gây ấn tượng về thanh khoản khớp tới 48,55 triệu đơn vị, đứng đầu HoSE và chỉ sau phiên khớp lệnh kỷ lục 49,55 triệu đơn vị vào ngày 10/1 trước đó.
Một cổ phiếu ngân hàng khác là SHB cũng bứt phá tăng 4,2% lên 12.400 đồng, đồng thời dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trên sàn HNX với 24,9 triệu cổ phiếu.
Về phương thức thỏa thuận, các mã có giao dịch lớn gồm HDB (7,4 triệu cổ phiếu, trị giá 327 tỷ đồng), GTN (7 triệu cổ phiếu, trị giá 109 tỷ đồng), PLX (1,4 triệu cổ phiếu, trị giá 130 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, trong khi VIC giữ được sắc xanh, thì VRE hay một số mã lớn khác như VNM, SAB, ROS, HPG… đã quay đầu giảm khá mạnh.
Thanh khoản thị trường leo lên mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt trên 611 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là trên 16.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm gần 2.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,15 điểm (1,55%) lên 1.104,57 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 147 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,36 điểm (0,29%) lên 126,62 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 115 mã giảm và 187 mã đứng giá.
Linh Đan