Toàn thị trường ghi nhận 657 mã tăng giá (101 mã tăng trần) và 695 mã đi ngang và 272 mã xuống giá. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 24.322 tỷ đồng, khối lượng tương ứng trên 880 triệu đơn vị.
Giá trị mua ròng hôm nay của khối ngoại vượt 1.000 tỷ đồng, gấp 4 lần phiên hôm qua. |
Sau phiên mất điểm kỷ lục hôm qua, nhà đầu tư bước vào phiên hôm nay trong tâm lý nhanh chóng thoát hàng khi liên tục đẩy lệnh bán giá thấp lên bảng điện, khiến VN-Index có thời điểm rơi gần 50 điểm, xuống sát đáy tháng 7/2021 ngay trong phiên sáng. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy ngay sau đó đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lập tức nhuộm xanh nhóm này, tạo động lực cho dòng tiếp tiếp tục lan tỏa sang các nhóm còn lại.
Càng về gần phiên ATC, dòng tiền bắt đáy của phía mua càng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thanh khoản ở cả hai sàn HoSE và HNX bắt đầu đuối dần so với phiên hôm qua.
Đóng cửa, rổ VN30 tăng 30,51 điểm (2,23%) với 27 mã tăng đã vực dậy thị trường với các bluechips như VPB, MSN, VIC, SAB, BID, MBB, GVR, VNM, VRE ảnh hưởng tích cực đến chỉ số. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng tăng trưởng rất tốt, ngoại trừ ba mã VCB (-1,59%), còn lại các mã khác trong nhóm đều tăng giá, cụ thể mã BID (+2,93), CTG (+1,1%), MBB (+4,45%), TCB (+1,1%). VPB (+6,28%)…
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu khai khoáng, dịch vụ lưu trú-ăn uống-giải trí, sản phẩm cao su dẫn đầu với các mức tăng trên 5% giá trị vốn hóa, các nhóm chứng khoán, xây dựng, bảo hiểm, sản xuất nhựa-hóa chất, tài chính cùng ghi nhận mức tăng trên 3%.
Bên cạnh đó, dòng tiền bắt đáy cũng thúc đẩy giá các cổ phiếu bất động sản đầu cơ. Cả ba mã gây chú ý nhiều nhất giai đoạn cuối 2021, đầu 2022 là CEO, DIG, L14 đều tím trần, trắng bên bán.
Cổ phiếu “họ FLC” như FLC, AMD, ROS, HAI, KLF, ART tiếp tục thể hiện khi tăng kịch biên độ. Quan sát trong 3 phiên trở lại đây, cổ phiếu nhóm này đều tăng trưởng tốt.
Cổ phiếu “họ Louis” và liên quan đến công ty chứng khoán Trí Việt bất ngờ phục hồi, sau nhiều phiên nằm sàn. Các mã SMT, APG, TVB tăng trần trong khi VCK, TVC, BII tăng trên 5%. Tuy nhiên, nhóm này ghi nhận sự phân hóa lớn như hai mã TGG và LDP vẫn nằm sàn, tổng quan thanh khoản không thực sự tốt.
Điểm sáng nhất trong phiên hôm nay chính là sự mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại khi ghi nhận số lượng mua lớn với khoảng 34,4 triệu đơn vị, cao nhất kể từ ngày 25/1. Giá trị mua ròng vượt 1.000 tỷ đồng, gấp 4 lần phiên hôm qua.
Có thể thấy, chuỗi phiên mua ròng liên tục của khối ngoại trên sàn HoSE đã kéo dài sang phiên thứ 6. Đây là động thái đáng chú ý vì ngắt quãng chu kỳ bán ròng kéo rất dài trước đó. Hàng chục tháng qua vẫn có vài ngày khối ngoại dừng bán ròng, nhưng đây là chuỗi ngày mua ròng liên tục dài nhất.
Các cổ phiếu cơ bản và nhóm dầu khí, hóa chất, phân bón như DGC, VNM, DPM, BVH, DCM, PVD, DIG đang là mục tiêu chính của nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cổ phiếu của NVL, VHM, HPG, STB, KBC, VCB bị xả liên tục.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã đổi vị thế mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong 5 tuần gần đây với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD).
Châu Giang