Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,18% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID giảm 0,03% so với mức 17,21% của tuần trước.
Với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 26,6% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG tăng 0,05% so với mức 26,55% của tuần giao dịch trước đó.
Cập nhật mới nhất về tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng "Big 4". |
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,35% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB giữ nguyên so với mức 23,35% của 1 tuần giao dịch trước đó.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (13/9), cổ phiếu của 3 ngân hàng trên đã có những biến động khác nhau. Cụ thể, cổ phiếu BID giảm 0,31% về mức 48.200 đồng/cp; cổ phiếu CTG giảm 0,29% về mức 34.900 đồng/cp; ngược lại cổ phiếu VCB tăng 0,45% lên 89.900 đồng/cp.
Theo các chuyên gia, trong các nhóm cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ tích cực hơn sau giai đoạn tích lũy từ 6 tháng tới 1 năm.
Ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc khách hàng cao cấp Chi nhánh TP HCM - Chứng khoán DNSE cũng đồng ý quan điểm trên và cho biết một số cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá P/B dưới 1,2 là có tiêu chí an toàn để mua nắm giữ trung và dài hạn.
"Những khó khăn của ngành ngân hàng đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian qua. Khi giá cổ phiếu đã tạo đáy và nhà đầu tư xác định nắm giữ dài hạn sẽ là cơ hội, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sáng hơn vào cuối năm", ông Phan Thành Nghiệp nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng tín dụng từ nay tới cuối năm dự báo tăng trưởng mạnh mẽ có thể giúp lợi nhuận ngân hàng duy trì ở mức khả quan. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là thông tư về cơ cấu lại nợ của ngành ngân hàng sẽ có hiệu lực đến hết năm 2024, sau đó bức tranh nợ xấu sẽ thế nào.
"Lợi nhuận của nhiều ngân hàng trước đây có sự đóng góp lớn từ mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Đến nay, phân khúc này vẫn còn khó khăn, tác động tới thu nhập ngoài lãi. Do đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có bứt phá", TS Nguyễn Anh Vũ phân tích.
Châu Anh