Cụ thể, theo BCTC quý II/2024, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.234 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể từ mức 18,5% cùng kỳ 2023 lên mức 21,4%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 7.308 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 3,5 lần lên hơn 813 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên. Sau khi trừ các chi phí đồng thời ghi nhận lỗ từ liên doanh, liên kết và lỗ khác, doanh nghiệp lãi sau thuế 1.172 tỷ đồng, gấp 69 lần (tương đương tăng 6.800%) so với cùng kỳ 2023. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, doanh nghiệp bán lẻ này tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.
Báo cáo quý II cũng cho thấy Thế giới Di động đã cắt giảm gần 1.100 nhân viên trong vòng 3 tháng gần nhất, qua đó thu hẹp quy mô nhân sự xuống gần 59.500 người.
Chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục báo lỗ. |
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Đáng chú ý, trong quý II, CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, chuỗi siêu thị này có lãi kể từ khi đi vào hoạt động.
Trước đó, trong quý I, Bách Hóa Xanh lỗ 105 tỷ đồng. Dù vậy, luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách Hóa Xanh còn lỗ gần 8.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của năm 2024 còn hơn 98 tỷ.
Chiều ngược lại, mảng dược phẩm của Thế giới Di động vẫn chưa thể "mang tiền về cho mẹ", thậm chí có phần đuối sức. Theo thống kê, chuỗi Nhà thuốc An Khang lỗ sau thuế trong quý II/2024 hơn 102 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý đầu năm, An Khang ghi nhận lỗ sau thuế gần 70 tỷ đồng. Khoản lỗ đậm trong quý II khiến mức lỗ năm 2024 tăng lên hơn 172 tỷ vào thời điểm cuối quý II. Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, An Khang hiện lỗ sau thuế gần 834 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thua lỗ như vậy, Thế giới Di động đang có những hành động quyết liệt hơn, khả năng doanh nghiệp đã đẩy mạnh rà soát và đóng các cửa hàng không đạt hiệu quả. Số lượng nhà thuốc An Khang đã giảm mạnh 46 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm xuống con số 481 cửa hàng vào thời điểm cuối quý II (hoạt động đóng bớt cửa hàng chủ yếu tập trung trong tháng 6).
Thực tế, An Khang vẫn đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nhà thuốc thương mại hiện đại khác như Long Châu, Pharmacity hay hàng nghìn nhà thuốc bán lẻ đã có sẵn trên thị trường hàng chục năm. Mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Ngoài ra, do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như Long Châu nên sẽ khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.
Trên thị trường, sau thời gian gom mạnh cổ phiếu MWG, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã “quay xe” bán ròng trở lại. Trong hai phiên giao dịch ngày 19/7 và 22/7, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ròng hơn 860.000 cổ phiếu MWG.
Chốt phiên ngày 30/7, cổ phiếu MWG dừng ở 63.000 đồng/cp.
Châu Anh