Nhìn rộng hơn, tính từ đầu tháng 6/2023 tới nay, cổ phiếu HPG đã tăng gần 50%. Mức giá 32.000 đồng/cp cũng là mức cao nhất 2 năm.
Không chỉ đón nhận dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ, cổ phiếu HPG cũng ghi nhận tín hiệu khả quan từ dòng tiền khối ngoại khi nhóm này đã mua ròng gần 44 triệu cổ phiếu HPG từ đầu năm.
Phiên 20/5, cổ phiếu HPG tăng lên mức cao nhất 2 năm với lượng giao dịch khủng. |
Đà tăng giá thời gian qua đã đẩy vốn hóa của Hòa Phát tăng đáng kể trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, vốn hóa của Hòa Phát đã vượt mặt loạt doanh nghiệp như Vingroup, FPT, Techcombank để trở thành doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, đạt hơn 186.000 tỷ đồng - tăng khoảng hơn 60.000 tỷ đồng sau gần 1 năm.
Không chỉ vậy, diễn biến tích cực của cổ phiếu HPG còn giúp ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát có thêm hơn 7.000 tỷ đồng tài sản, đạt gần 50.000 tỷ đồng, qua đó tiếp tục duy trì vị thế người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đồng thời bỏ xa vị trí thứ hai của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng.
Nhìn chung, đà tăng của cổ phiếu HPG thời gian gần đây được cho là hưởng lợi từ một loạt tin tốt liên quan đến các dự án của Hòa Phát. Bên cạnh đó, động lực lớn nhất giúp các cổ đông đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG chính là nhờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2024.
Cụ thể, quý đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.852 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Hòa Phát báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 2.869 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Như vậy, hết quý I, công ty đã thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 28,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến 31/3/3024, tổng tài sản của Hòa Phát tăng 7,5% so với đầu năm lên 201.940 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi nhích nhẹ lên 34.700 tỷ đồng, tương đương 17% tổng tài sản.
Được biết, chỉ riêng trong quý I/2024, doanh nghiệp này đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34%.
Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, đến cuối quý I/2024, Hòa Phát đã mạnh tay đầu tư 26.800 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Đến tháng 3/2024, dự án Dung Quất 2 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ được đừa vào hoạt động vào quý đầu năm 2025. Giai đoạn 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV/2025. Dự kiến, khi Dung Quất 2 hoàn thành sẽ đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC Research), Hòa Phát có thể mang về doanh thu gần 190.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng vào năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động giai đoạn 1.
Agriseco Reseach cũng đánh giá Đại dự án Dung Quất giai đoạn 2 vẫn đang được triển khai đúng tiến độ. Nhóm phân tích kỳ vọng Dự án Dung Quất giai đoạn 2 sau khi hoàn thành có thể đóng góp lên tới 80.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Hòa Phát, tương ứng mức tăng doanh thu khoảng 50-60% so với trước đó. Ngoài ra, nhu cầu phục hồi và 1 lò cao của dự án Dung Quất giai đoạn 2 có thể đi vào vận hành từ cuối năm 2024 dự kiến cũng sẽ góp phần làm nên kỳ vọng tích cực cho kết quả kinh doanh năm nay của Hòa Phát.
Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị đầu tư cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 36.400 đồng/cp, tăng 28% dựa trên những luận điểm: Hòa Phát là doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh về sản xuất HRC; Xu hướng giá thép giảm trong quý I/2024 không còn đáng quan ngại và hàng tồn kho giá vốn cao đã được xử lý, động lực tăng trưởng từ biên lợi nhuận sẽ được phản ánh trong giai đoạn tiếp theo.
Châu Anh