Hôm nay (5/7), hệ thống giao dịch mới do Sở GDCK TP.HCM (HoSE) và FPT phối hợp xây dựng đã chính thức vận hành nhằm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh diễn ra hơn 7 tháng qua trên sàn HoSE.
Trước đó, ngày 3/7, HoSE đã cùng Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các công ty chứng khoán đã tiến hành tổng duyệt lần cuối giải pháp kỹ thuật mới. Tại buổi tổng duyệt này, đã có tổng cộng 766.000 lệnh được khớp, tổng giá trị giao dịch lên tới 100.000 tỷ đồng.
Tình trạng nghẽn lệnh được xử lý
Trước “giờ G” ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) – đơn vị thực hiện dự án cho biết, trong 3 tháng qua HoSE và FPT đã tiến hành sửa lại phần mềm giao dịch chứng khoán của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HoSE. Cùng với đó, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán và tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)… để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh.
![]() |
Tình trạng nghẽn lệnh sẽ được giải quyết hoàn toàn sau khi hệ thống mới đi vào vận hành chính thức. |
Hệ thống giao dịch mới có thể xử lý 3 - 5 triệu lệnh một ngày, đồng thời cũng bỏ cơ chế phân bổ số lượng lệnh hàng ngày cho các công ty chứng khoán và cũng được cải thiện khả năng xử lý số lượng lệnh gửi vào trong một giây. Năng lực hệ thống mới trong quá trình kiểm thử đã chứng minh được các tham số trên đạt yêu cầu, hứa hẹn sẽ giải quyết hoàn toàn tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE.
“Bên cạnh việc hỗ trợ hệ thống đi vào vận hành, chúng tôi còn hoàn toàn làm chủ hệ thống này thông qua việc đã lên các kịch bản xử lý tình huống để nhanh chóng khắc phục sự cố (nếu có) và dễ dàng nâng cấp, hiệu chỉnh để đáp ứng theo sự phát triển của nhu cầu thị trường”, ông Dương Dũng Triều cho biết.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, toàn bộ các thành viên tham gia thị trường chứng khoán đều được hưởng lợi về mặt giao dịch khi HoSE “thông sàn”. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu tiên sự minh bạch khi đầu tư vào một thị trường nào đó thì vấn đề nghẽn lệnh được giải quyết có thể khiến họ quay trở lại giao dịch nhiều hơn.
Thực tế, thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu, là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần một hệ thống ổn định, thông suốt.
“Đó là quyền lợi tối thiểu của nhà đầu tư và trách nhiệm của nhà quản lý”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc HoSE cho biết, hệ thống mới có công suất xử lý gấp ít nhất 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh nghẽn cục bộ, sẽ giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc đặt lệnh, từ đó thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Có cần lo ngại rủi ro?
Bên cạnh sự hân hoan khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được vấn đề của HoSE nhiều tháng qua, vẫn có ý kiến cho rằng, đây chỉ là động thái tân trang lại ngôi nhà cũ nên chỉ thay đổi vẻ bề ngoài, còn nền móng vẫn được giữ nguyên. Do đó, sẽ ra sao nếu thanh khoản lại “vọt xà”?
Đáng chú ý, với bất kỳ hệ thống công nghệ thông tin nào, đặc biệt lại là hệ thống giao dịch chứng khoán, thì không thể khẳng định chắc chắn là không có rủi ro phát sinh.
Đưa ra ý kiến thận trọng hơn, nhà đầu tư Đặng Việt Long (Hà Nội) cho biết, hệ thống "mượt" trong bối cảnh thị trường tăng thì tốt chứ trong thị trường xấu thì đây lại là mối nguy hiểm lớn, là cơ hội cho các "tay to" xả hàng.
Những hoài nghi này là hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, trong bối cảnh năng lực thiết kế hệ thống giao dịch tại HoSE bị hạn chế, cơ quan này đã nỗ lực thực hiện các giải pháp kỹ thuật để cải thiện khả năng xử lý số lượng lệnh và thanh khoản thị trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Trên thực tế, mặc dù hệ thống giao dịch của HoSE quá tải nhưng giá trị giao dịch vẫn liên tục tăng mạnh trong 6 tháng qua, từ bình quân 12.000 tỷ đồng/ngày trong tháng 12/2020 lên 24.000 tỷ đồng/ngày trong tháng 6/2021. Trong đó có những giá trị giao dịch phiên vượt lên đến hơn 30.000 tỷ đồng/ngày.
Để trả lời cho những khúc mắc trên, ông Dương Dũng Triều cho biết “không thể khẳng định là không có rủi ro với hệ thống mới. Tuy nhiên, chúng tôi, HoSE và các bên liên quan đã nghiên cứu rất kỹ để lên các kịch bản phòng ngừa, cũng như lên giải pháp xử lý nếu phát sinh rủi ro”.
Theo đó, để lên các kịch bản phòng ngừa, các bên liên quan đã liệt kê rất nhiều tình huống, rủi ro có thể xảy ra và phân loại thành 3 nhóm gồm: hạ tầng, hệ thống, con người. Khả năng xảy ra rủi ro cũng được chia làm 4 cấp độ từ gần như “Không thể”, “Rất thấp”, “Thấp” đến “Vừa” và luôn có phương án hành động, nhân sự chịu trách nhiệm xử lý.
Cần phải nhắc lại, hệ thống mới này chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian chờ hệ thống KRX của Hàn Quốc chính thức được vận hành.
Còn đối với lo ngại, hệ thống giao dịch mới giúp tăng thanh khoản lại dễ tạo điều kiện cho hoạt động xả hàng, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn chưa cần phải lo lắng. Thị trường vẫn đang có yếu tố hỗ trợ liên quan đến kết quả kinh doanh quý II.
Tuy nhiên, đợt công bố thông tin này sẽ tạo phân hóa mạnh đối với cổ phiếu do góp phần quan trọng, đánh giá lại kỳ vọng của nhà đầu tư suốt nhịp tăng mấy tháng vừa qua có hợp lý hay không.
Minh Khuê