Ông Trần Anh Vương là lãnh đạo cấp cao tại rất nhiều doanh nghiệp khác nhau, như Chủ tịch HĐQT tại CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1), CTCP Đầu tư BVG (BVG), là thành viên HĐQT tại CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP),
CTCP Vật liệu Điện và Viễn thông Sam Cường (SMT), Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN). Ông Vương được biết đến nhiều nhất trong vai trò là Tổng Giám đốc tại CTCP SAM Holdings.
Lỗ triền miên, bị hủy niêm yết
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã gửi văn bản yêu cầu CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim – mã: TH1) – do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) làm Chủ tịch HĐQT – phải báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.
Năm 2017, TH1 chỉ đạt 154 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ. Cả năm, công ty lỗ hơn 142 tỷ đồng, nâng tổng lỗ chưa phân phối đến cuối năm lên gần 276,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 92,8 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu đạt hơn 135 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, những yếu tố này cho thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Trước đó, năm 2016, TH1 đã lỗ 133,7 tỷ đồng và năm 2015 lỗ hơn 134,3 tỷ đồng.
Thua lỗ ba năm liên tục, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, cổ phiếu TH1 buộc phải hủy niêm yết theo quy định, HNX đã đề nghị Generalexem báo cáo giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết này.
Trong tháng qua, cổ phiếu TH1 đứng giá ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu và hầu như không có thanh khoản, mặc dù có thời điểm lên 5.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TH1 bị đưa vào tình trạng bị kiểm soát từ 20/4/2015.
Cùng chung cảnh ngộ thua lỗ triền miên, một công ty khác do Shark Vương là Chủ tịch là CTCP đầu tư BVG, công ty này đã có lịch sử thua lỗ từ năm 2012 đến nay, với số lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng. Theo BCTC mới nhất của BVG cho thấy, năm 2016, BVG vẫn lỗ ròng hơn 4 tỷ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 56 tỷ đồng.
Việc liên tiếp thua lỗ đã khiến vốn chủ sở hữu của BVG liên tục giảm từ 97,5 tỷ đồng xuống 65 tỷ đồng năm 2016. Hiện, nợ phải trả của BVG đã gấp hai lần vốn chủ sở hữu và hệ số thanh toán ngắn hạn đã xuống dưới mức hệ số 1.
![]() |
Trong khi một công ty bị hủy niêm yết, thì một công ty khác cũng cùng do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) làm Chủ tịch HĐQT lại chuẩn bị lên sàn.
Chuẩn bị lên sàn
Trong khi TH1 bị HNX yêu cầu giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết, thì một công ty khác của ông Anh Vương chuẩn bị lên sàn.
Cụ thể, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận chứng khoán và mã giao dịch SLD cho hơn 40 triệu cổ phần của CTCP Địa ốc Sacom (Samland).
Samland có vốn điều lệ là 402 tỷ đồng, là công ty con của CTCP Sam Holdings (mã: SAM) với tỷ lệ sở hữu 99,4%. Tháng 8/2017, Sam Holdings đã thông qua phương án chào bán cổ phần SLD nhằm đại chúng hóa SLD và tạo điều kiện để SLD đáp ứng đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Theo đó, Sam Holdings sẽ chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phần SLD với giá 11.500 đồng/cổ phần, tương đương thu về 115 tỷ đồng. Sau đợt chào bán này, tại thời điểm tháng 10/2017, SAM chỉ còn nắm giữ 74,58% vốn Samland.
Các dự án của Samland đã và đang triển khai gồm: Samland Rivier View, Samland Nhơn Trạch, Samland Tân Vạn, Samland Giai Việt, Samland Airport, Samland Riverside. Tại Hà Nội, công ty đang triển khai dự án Samsora 105 Chu Văn An (hợp tác với công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội).
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2017 vừa qua, doanh thu thuần của Samland chỉ đạt 255 tỷ doanh thu thuần, giảm 17% so với năm 2016.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại tăng gần gấp đôi, mang về hơn 19 tỷ đồng, giúp công ty đạt gần 30 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, bằng số năm trước. Sau khi trừ thuế và các chi phí liên quan, Samland thu về 22 tỷ đồng lãi ròng, giảm gần 10%.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2017 của Samland giảm khá mạnh, xuống còn 629 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Trong nhiều năm qua, chính sách trả cổ tức của Samland không cao. Năm 2014, công ty chỉ trả cổ tức ở mức 8,67%; 3,45% năm 2015, tính trên vốn đã tăng gấp đôi lên 402 tỷ đồng và năm 2016 là mức 5,62%.
Theo kế hoạch, năm 2018, Samland dự kiến thu về 454 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 32 tỷ đồng, mục tiêu chia cổ tức ở mức 7%. Nguồn thu là từ bàn giao các căn hộ khách hàng đã đặt cọc tại dự án Samland Riverside và bán toàn bộ các căn còn lại.
Samland cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành riêng lẻ hoặc chào bán cổ phiếu ra công chúng. Dự kiến mức vốn giai đoạn này khoảng 600-800 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom – SAM Holding (SAM) đã nộp đơn đề nghị trở thành một trong ba nhà đầu tư muốn làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Tổng công ty TNHH Một thành viên Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp).
Nếu đạt mục tiêu này – với việc đấu giá thành công mua được 120 triệu cổ phần Protrade Corp, tương đương 39,91% vốn với giá không thấp hơn mức giá IPO ( 12.000 đồng/cổ phần) – công ty của Shark Vương sẽ phải chi ít nhất 1.440 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với 1/3 tài sản của SAM Holdings.
Linh Đan