Cụ thể, cổ phiếu YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1) tăng trần 13.600 đồng/cp với khối lượng lèo tèo hơn 257.000 đơn vị khớp lệnh. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này.
Được biết, Yeah1 vừa chào bán thành công 45 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Ngày 16/10 tới, Yeah1 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản về việc tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, thời gian lấy ý kiến từ ngày 20/10 đến ngày 30/10.
2 cổ phiếu ngược dòng thị trường tăng trần đang nằm trong danh sách "đen” của HoSE. (Ảnh minh họa) |
Về kết quả kinh doanh, ngày 20/9 vừa qua, HoSE đã nhận được Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Yeah1. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm là âm 196,92 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tới ngày 30/6/2021 là âm 184,08 tỷ đồng.
Do vậy, HoSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu YEG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu YEG sau khi có Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 được kiểm toán.
Trước đó, ngày 5/4/2021, HoSE ra quyết định chuyển cổ phiếu của YEG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 385,33 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 181,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 219,28 tỷ đồng.
Một cổ phiếu khác cũng ngược dòng trong ngày thị trường giảm mạnh là RDP (CTCP Rạng Đông Holding) tăng trần lên mức 10.600 đồng/cp. Trùng hợp đây cũng là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của RDP.
Rạng Đông Holding đã thông qua việc triển khai phương án chào bán dự kiến 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2023 - quý II/2024. Tổng số tiền dự kiến thu về (300 tỷ đồng) sẽ dùng để trả nợ vay tại Ngân hàng BIDV và trả nợ Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank.
Rạng Đông Holding mới đây đã thua kiện doanh nghiệp Nhật Bản (Sojitz Planet Corporation) và phải chịu bồi thường hơn 156,9 tỷ đồng cùng nhiều khoản phí có giá trị hơn 21 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/9 vừa qua, HoSE đã thông báo giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu RDP do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 60,97 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023.
Trước đó, ngày 5/4, HoSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu RDP.
Nguyên nhân là do theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 của công ty âm gần 71 tỷ đồng. Tình trạng bị đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm của cổ phiếu RDP bắt đầu từ ngày 27/5/2021 và duy trì đến hiện tại.
Châu Anh