Đây là một trong những giao dịch lớn nhất từ trước tới nay thực hiện trên HoSE. Trước đó, giá DIG đã tăng hơn 18%, với khối lượng giao dịch đột biến trong tuần. Vậy DIC Corp là doanh nghiệp nào mà có thể “tạo bão” trên HoSE đến vậy.
Tổng công ty lớn, nhưng… ít lãi
DIC Corp là doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1990, hoạt động kinh doanh chủ đạo là bất động sản, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng… DIC có vốn điều lệ ban đầu là 8,2 tỷ đồng, sau 27 năm hoạt động và phát triển đã tăng lên thành 2.382 tỷ đồng (31/2/2016), với 6 công ty con và 8 công ty liên kết.
Năm 2017, hoạt động kinh doanh của DIG khá ảm đạm, theo BCTC quý III/2017, doanh thu thuần của DIG chỉ đạt 286 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nguồn thu bất động sản giảm, kéo theo lợi nhuận ròng giảm 15%, chỉ còn 33, 8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2017, doanh thu thuần DIG đạt 872 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, hoàn thành 62% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn… 43 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 34% kế hoạch.
Kinh doanh kém, nhưng DIG đang nắm quỹ đất khá “khủng”. Theo giới thiệu, DIG đang triển khai nhiều dự án có quy mô lớn như: dự án khu trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu (100ha); khu đô thị Long Tân – Đồng Nai (332ha); khu đô thị Nam Vĩnh Yên (447ha); khu đô thị Phú Mỹ, Hiệp Phước (21,5ha)…
Theo kế hoạch, tổng thu năm 2017 của DIG là 2.959 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dự án là 1.859 tỷ đồng, thu từ thoái vốn là 650 tỷ đồng, thu nợ và hoạt động tài chính là 450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo BVSC, năm 2017, doanh thu dự kiến của DIG chỉ đạt 1.562 tỷ đồng, trong đó thu từ chuyển nhượng bất động sản là 885 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch năm.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá, đợt tăng giá đột biến này của cổ phiếu DIG là “ăn theo” sóng thoái vốn. Tuy nhiên, dường như có nhiều nhà đầu tư đã thể hiện quyết tâm “xuống tay” mua vốn để nắm quyền quyết định tại DIG, hơn là lướt sóng cổ phiếu này
Những ai thích?
Cổ phiếu DIG có tăng trưởng mạnh về giá trị sau khi Bộ Xây dựng công bố bán hết 118,3 triệu cổ phiếu DIG – tương đương 49,65% vốn điều lệ doanh nghiệp này – với giá tối thiếu 15.000 đồng/cp.
Từ cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá 7.440 đồng/cp với lượng khớp lệnh mỗi phiên “èo uột” chỉ vài chục nghìn đơn vị, hiện DIG đã tăng giá 61,3 %, lên 19.250 đồng/cp (phiên 28/11), khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 16 triệu đơn vị.
Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 28/11, cổ phiếu DIG đã giao dịch kỷ lục, khi khối lượng khớp lệnh đạt mức 128,4 cổ phiếu, tương ứng 53,92% vốn tại giá trần 19.250 đồng/cp, theo phương thức giao dịch khớp lệnh, mang lại giá trị hơn 2.468 tỷ đồng. Trong đó, có gần 121,7 triệu cổ phiếu DIG được khớp lệnh tại giá trần chỉ hai phút cuối phiên.
Giao dịch này chiếm 28% tổng giá trị giao dịch trong ngày trên sàn HoSE. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì DIG chiếm tới 37% giá trị trong ngày tại sàn này. Đây là mức thanh khoản lớn nhất của DIG kể từ khi niêm yết đến nay. Kết phiên, dư mua trần của DIG vẫn lên tới gần 2,5 triệu đơn vị. DIG được khối ngoại mua ròng 1.086 tỷ đồng với khối lượng “khủng” hơn 56,4 triệu cổ phiếu. Số cổ phần này ước tính chiếm gần 24% vốn tại DIG.
Hiện, DIG vẫn chưa công bố thông tin liên quan đến lượng giao dịch kỷ lục này. Nhưng với khối lượng khớp lệnh hơn 128,4 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 28/11, nhiều khả năng Bộ Xây dựng đã thoái xong vốn khỏi DIG, bởi chỉ cơ quan này mới có lượng cổ phiếu lớn như vậy để bán ra thị trường.
Cùng ngày 28/11, DIG ra thông báo tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến từ ngày 11 đến 20/2/2018. Ngày chốt danh sách cổ đông là 20/12. Nội dung họp dự kiến là bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2022, thông qua quy chế quản trị nội bộ, sửa đổi điều lệ hoạt động và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền đại hội.
Nối tiếp đà tăng, phiên giao dịch ngày 29/11, cổ phiếu DIG tiếp tục tăng trần lên 20.550 đồng/cp, với hơn 6,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu DIG điều chỉnh giảm 3,2 % xuống còn 19.900 đồng/ cp, cùng với đó là 4,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Cơ cấu HĐQT hiện tại của DIG gồm ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT, 4 thành viên HĐQT là ông Trần Minh Phú, Lê Văn Tảng, Nguyễn Quang Tín và Phan Thị Mai Hương. Ông Tuấn, ông Phú, ông Tảng đều là người đại diện phần vốn nhà nước tại DIG.
Ngoài đại diện cho phần vốn nhà nước, bản thân ông Tuấn cũng nắm giữ hơn 10,5 triệu cổ phiếu DIG tương đương 4,4% vốn, tính tới thời điểm 14/11/2017. Những người có liên quan đến ông Tuấn như vợ, con trai, con gái, em gái cũng đang nắm giữ gần 1,4 triệu cổ phiếu DIG. Ông Tuấn cùng những người có liên quan đang là các cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều vốn điều lệ nhất tại DIC hiện nay.
Hiện, cơ cấu cổ đông của DIG khá cô đặc, bao gồm Bộ Xây dựng sở hữu 46,65% vốn điều lệ, sở hữu nước ngoài chiếm 47,89% vốn điều lệ, sở hữu khác 2,46% vốn điều lệ (trước đó, cổ đông nước ngoài sở hữu 24,72%, cổ đông khác nắm 18,56% vốn điều lệ DIG).
Nhiều nhà đầu tư đánh giá, đợt tăng giá đột biến này của cổ phiếu DIG là “ăn theo” sóng thoái vốn. Vì không riêng DIG, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn khác cũng thường tăng mạnh trước và trong các đợt chào bán cổ phần.
Tuy nhiên, phiên giao dịch khớp lệnh kỷ lục ngày 28/11 đã chứng minh điều ngược lại. Với việc khối ngoại chiếm gần nửa lượng giao dịch trong ngày, và gần 121,7 triệu cổ phiếu DIG được khớp lệnh tại giá trần chỉ trong 2 phút cuối trước khi đóng cửa, dường như có nhiều nhà đầu tư đã thể hiện quyết tâm “xuống tay” mua vốn để nắm quyền quyết định tại DIG, hơn là lướt sóng cổ phiếu này.
Nhà đầu tư nào đã chờ tới 2 phút cuối phiên để “xuống tay” vét sạch cổ phiếu DIG là điều Thời báo Kinh Doanh thông tin tới bạn đọc trong một bài viết khác.
Linh Đan