Trong suốt 11 năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm và đến thời điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đã áp sát vùng đỉnh lịch sử.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/3, Vn-Index dừng lại tại mốc 1.126,29 điểm, cách mốc son lịch sử khoảng 4%, giới đầu tư tin rằng việc tìm lại đỉnh 11 năm trước chỉ còn là vấn đề thời gian.
Áp sát đỉnh cũ
Ngay từ phiên ATO của ngày giao dịch đáng nhớ 12/3, Vn-Index tăng hơn 12 điểm lên mốc 1.135,48 điểm, vượt đỉnh ngắn hạn, cách mốc lịch sử gần 35 điểm. Cùng chung đà hưng phấn, HNX cũng tăng 1,37 điểm lên mốc 128,95 điểm.
Hiệu ứng từ việc Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết, cùng với TTCK Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước tiếp tục được duy trì đã ảnh hưởng tích cực tới TTCK Việt Nam.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã làm tốt vai trò dẫn dắt đà tăng của thị trường, đồng loạt tăng giá, thu hút lượng lớn giao dịch trên sàn. Chỉ sau 45 phút giao dịch đã có tổng cộng 1,88 triệu cổ phiếu ACB được sang tay; SHB, CTG giao dịch lần lượt 1,26 triệu cổ phiếu và 1,05 triệu cổ phiếu.
Đà hưng phấn của thị trường tưởng sẽ kéo dài đến hết phiên giao dịch, để tạo đỉnh đánh dấu kỷ niệm 11 năm TTCK Việt Nam từng ở ngưỡng 1.170,6 điểm, nhưng “kỳ tích” đã không xảy ra.
Áp lực bán tại vùng 1.130 điểm tăng mạnh trong phiên chiều, nhưng Vn-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
ACB tăng 3,85% lên 48.600 đồng/cp, VCB tăng 1,41% lên 72.000 đồng/cp, CTG tăng 3,24% lên 33.450 đồng/cp, MBB tăng 0,9% lên 33.800 đồng/cp, SHB tăng 2,42% lên 12.700 đồng/cp. STB và CTG vẫn là những mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 17,25 triệu đơn vị và 9,1 triệu đơn vị được khớp.
Cổ phiếu EIB sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp đã bất ngờ nổi sóng khi đóng cửa ở mức giá trần 15.200 đồng/cp, với 1,48 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, mặc dù công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 10.800 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu VPB của VPBank vẫn ngược dòng giảm 1.200 đồng về 62.900 đồng/cp.
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, phần lớn cổ phiếu vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng đến thị trường cũng đều tăng điểm. GAS tăng 3,75% lên 116.200 đồng/cp, MSN tăng 1,17% lên 95.200 đồng/cp…
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/3, Vn-Index dừng lại tại mốc 1.126,29 điểm, cách mốc son lịch sử khoảng 4%, giới đầu tư tin rằng việc tìm lại đỉnh 11 năm trước chỉ còn là vấn đề thời gian.
Rủi ro vẫn tiềm ẩn
Sau phiên giao dịch lịch sử ngày 12/3/2007, TTCK Việt Nam bước vào giai đoạn “khủng hoảng” kéo dài là do hệ quả từ việc thị trường tăng nóng, cộng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tính đến đầu năm 2009, chỉ số Vn-Index tạo đáy tại mốc 235 điểm, tương đương mất 80% so với đỉnh cao năm 2007.
Đến nay, TTCK sau 11 năm đã có nhiều thay đổi, số lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE hiện đạt gần 340 mã, gấp 4 lần; vốn hóa thị trường HoSE hiện đạt 134 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần.
Nếu cách đây 11 năm, sự biến động của Vn-Index phụ thuộc lớn vào 5 cổ phiếu FPT, VNM, STB, PPC, PVD, thì hiện tại chỉ còn VNM là cái tên cũ hiện diện trong danh sách có ảnh hưởng lớn nhất đối với thị trường, 4 cái tên còn lại đã được thay thế bằng: VIC, VCB, GAS, SAB.
Có một điểm chung của thị trường trong 11 năm qua là vẫn có sự phân hóa, Vn-Index phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng nóng.
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong thời gian qua, Vn-Index tiếp tục có diễn biến tăng mạnh sau mức tăng 2,8 lần mức bình quân của các thị trường trong khu vực.
Tốc độ tăng giá cổ phiếu là 48% trong năm 2017, cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (khoảng 26%), giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nóng.
Do đó, nếu thị trường tiếp tục tăng mạnh trong thời gian ngắn bởi sự hưng phấn của nhà đầu tư sẽ tiềm ẩn rủi ro không bền vững.
Mới đây, công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã đưa ra nhận định mức rủi ro của thị trường chưa có dấu hiệu giảm bớt, do thị trường liên tục “test” đỉnh bất thành với sự phân hóa tăng/giảm đan xen liên tục và hầu như phiên nào cũng có một cổ phiếu Bigcaps bị tập trung bán mạnh.
Bên cạnh đó, rủi ro đến từ các TTCK thế giới vẫn tiềm ẩn, ảnh hưởng mạnh đến TTCK Việt Nam. Đáng chú ý, thời gian gần đây, quỹ V.N.M ETF quản lý bởi Van Eck Vector đã rút ròng 18,44 triệu USD khỏi TTCK Việt Nam, trong đó chỉ trong 2 ngày 5 – 6/3 đã rút 9,38 triệu USD.
Một quỹ ngoại khác là FTSE ETF được quản lý bởi Deutsche Bank cũng có xu hướng rút ròng xuất hiện từ giữa tháng 2/2018 với số lượng 480.487 chứng chỉ quỹ bị bán ra; xu hướng rút ròng cũng đến từ qũy ETF nội với 143 tỷ đồng tính từ đầu tháng 3.
Với danh mục đầu tư của các quỹ này đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn, mỗi đợt bán cổ phiếu để thu hồi tiền cũng gây ra sức ảnh hưởng lớn đối với Vn-Index.
Linh Đan