Cụ thể, Norger Bank đã bán ra 1.220.000 cổ phiếu GEX, Amersham Industries Limited bán 1.500.000 cổ phiếu và Grinling International Limited bán 1.000.000 cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện trong ngày 13/6/2023.
Động thái thoái vốn của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu GEX đang trong xu hướng tăng cùng nhóm cổ phiếu ngành điện.
Từ đầu tháng 6 đến nay, cổ phiếu GEX liên tục kéo dài chuỗi tăng với thanh khoản khá cao. Thậm chí trong phiên 1/6, cổ phiếu này còn tăng trần với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 37,3 triệu cổ phiếu, đứng đầu khối lượng giao dịch toàn thị trường. Chốt phiên ngày 15/6, cổ phiếu GEX dừng ở mức 19.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 30% tính từ đầu tháng 6.
Dù vậy, nhìn về tình hình kinh doanh của Gelex lại không “sáng” như giá cổ phiếu. Kết thúc quý I/2023, hầu hết các mảng sản xuất kinh doanh của Gelex đều bị ảnh hưởng, ghi nhận kết quả sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thiết bị điện và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, mảng năng lượng và nước sạch hoạt động vẫn ổn định, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ trọng doanh thu 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì cân bằng giữa mảng thiết bị điện và các mảng còn lại, tương tự cơ cấu doanh thu cả năm 2022. Tỷ trọng mảng VLXD trên tổng doanh thu giảm so với cơ cấu cả năm 2022 do mảng VLXD trong Quý I bị ảnh hưởng mạnh bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp BĐS thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Lợi nhuận gộp quý đầu năm 2023 của Gelex đạt 1.269 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp vẫn đạt mức 20%, không biến động nhiều so với các quý trước và tương đương mức trung bình cả năm 2022.
Số liệu từ báo cáo tài chính cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý I cũng có sự sụt giảm, đạt 144 tỷ, tương đương 11% kế hoạch năm. Ghi nhận tại 31/3/2023, tổng tài sản của Gelex đạt 52.619 tỷ đồng, tăng 0,4% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản, nguồn vốn ổn định.
Châu Giang