Quỹ ngoại lớn nhất do Dragon Capital quản lý là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 1,3 triệu cổ phiếu VCG trong ngày 2/11, qua đó nâng sở hữu từ 8,44 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,58%) lên 9,74 triệu cổ phiếu (1,82%).
Hiện tại, VEIL cũng là thành viên nắm nhiều cổ phiếu VCG nhất trong nhóm quỹ ngoại Dragon Capital. Sau giao dịch trên của VEIL, nhóm Dragon Capital đã nâng tổng lượng sở hữu từ 25,79 triệu cổ phiếu VCG (tỷ lệ 4,82%) lên 27,09 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,07%), qua đó trở thành cổ đông lớn của Vinaconex từ ngày 6/11.
Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Vinaconex. |
Từ ngày 2/11 đến chốt phiên 8/11, cổ phiếu VCG đã tăng từ mức 19.750 đồng/cp lên 22.850 đồng/cp, tương đương mức tăng 15,7% chỉ trong vài phiên giao dịch. Thậm chí, trong chuỗi tăng ngắn ngủi này có đến 2 phiên tăng lên mức giá trần (2/11 và 8/11).
Trước đó, cổ phiếu VCG đã trải qua nhịp giảm mạnh từ đỉnh 18 tháng đạt được hồi đầu tháng 9, sau đó hồi phục trở lại và tăng khoảng 15% kể từ cuối tháng 10 và có diễn biến đi ngang rồi bật tăng mạnh mẽ sau khi VEIL hoàn tất mua vào lượng cổ phiếu nói trên. Điều đó đồng nghĩa với việc nhóm quỹ ngoại này đã “bắt đáy” thành công hàng triệu cổ phiếu VCG.
Trong khi ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư Pacific Holdings - tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex và Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông đã hoàn tất bán 39 triệu cổ phiếu VCG trong khoảng thời gian từ 6/8 - 31/8. Sau giao dịch, Đầu tư Pacific Holdings đã giảm sở hữu từ 280 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 52,4%) xuống còn 241,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 45,1%).
Về kết quả kinh doanh quý III/2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.382 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng gần 27,5 tỷ đồng, giảm 89%. Đáng chú ý, nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, Vinaconex đã thoát lỗ trong quý này.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex ghi nhận tổng doanh thu thuần 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng chỉ đạt 204 tỷ đồng, giảm 79%.
Đây cũng là tình trạng phổ biến đối với các doanh nghiệp xây dựng khác khi chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và nhân công trực tiếp phục vụ hoạt động xây dựng đã tăng mạnh trong năm nay; trong khi đó, hợp đồng mới ít khi thị trường bất động sản nói chung, hoạt động xây dựng nói riêng ảm đạm, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt để giành được hợp đồng.
Châu Anh