Trước đó, phiên chào sàn Nasdaq đầu tiên hôm 15/8, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức hơn 37 USD/cp.
Cổ phiếu VFS dừng ở mức giá cao kỷ lục 49 USD/cp. |
Hiện tại, giá trị vốn hoá của VinFast đạt 113,788 tỷ USD, gần gấp 3 lần vốn hoá hãng xe Ford của Mỹ. Đồng thời, đứng vững ở vị trí thứ 2 trong làng xe điện toàn cầu và trở thành hãng sản xuất xe lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Tesla (vốn hóa đạt 730 tỷ USD tính tới 24/8) và Toyota (220 tỷ USD). Thậm chí, vốn hóa của VinFast vượt hãng siêu xe Porsche (99 tỷ USD).
Như vậy, vốn hóa của VinFast đã lên một tầm cao mới và không có doanh nghiệp nào tại Việt Nam so sánh được bởi tổng vốn hóa của 10 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán chỉ đạt 84 tỷ USD.
Vietcombank (VCB) hiện có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính tới hết ngày 24/8, vốn hóa nhà băng này đạt 418.000 tỷ đồng (tương đương gần 17 tỷ USD), tương đương khoảng 15% của VinFast.
Cùng với đó, trên bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Tạp chí Forbes, phiên tăng này của cổ phiếu VFS góp phần đưa giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng tăng thêm 8,9 tỷ USD lên 41,1 tỷ USD. Khối tài sản này giúp ông Vượng từ vị trí 45 lên thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do Forbes xếp hạng. Với vị trí này, ông Vượng tiếp tục là người giàu nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới của hãng tin Bloomberg hiện không có tên ông Vượng.
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu “họ Vin” đang ghi nhận diễn biến ngược chiều. Trong khi VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail) kém khởi sắc thì cổ phiếu VIC (Vingroup) vẫn đang tiếp đà đi lên với màu xanh tích cực, quanh mức giá 64.500 đồng/cp.
Châu Anh