Đáng chú ý, giá phát hành là 0 đồng/cp. Thời gian dự kiến triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến thời điểm phát hành trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của LDG.
HĐQT LDG vừa thông qua phương án phát hành hơn 12,8 triệu cổ phiếu ESOP. (Hình minh họa) |
Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng cho biết mục đích phát hành cổ phiếu thưởng là để nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên trong công ty, thu hút và giữ chân nhân tài, gắn kết hiệu quả lao động của cán bộ nhân viên với lợi ích chung và sự phát triển của toàn công ty, tạo động lực cho người lao động.
Thời gian tự do chuyển nhượng cổ phiếu ESOP được chia thành 3 đợt: 30% số lượng cổ phiếu ESOP được tự do chuyển nhượng sau 1 năm tính từ ngày hoàn tất đợt phát hành; 30% được tự do chuyển nhượng sau 2 năm tính từ ngày hoàn tất đợt phát hành; 40% được tự do chuyển nhượng sau 3 năm tính từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Chốt phiên 17/11, cổ phiếu LDG dừng ở mức 3.990 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, ước tính số cổ phiếu ESOP trên có giá khoảng 51 tỷ đồng. Sau khi phát hành, số cổ phiếu của LDG sẽ tăng từ 256,2 triệu lên 274,4 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ tăng lên 2.744 tỷ đồng.
Quyết định của LDG được đánh giá là khá bất ngờ bởi lẽ nhìn về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại khá ảm đạm, nếu không muốn nói là “bết bát”.
Sau năm 2022 ghi nhận lợi nhuận lao dốc từ 140,6 tỷ đồng cùng kỳ xuống 4,24 tỷ đồng, bước sang năm 2023, LDG tiếp tục chứng kiến cảnh thua lỗ ngay từ quý đầu năm.
Quý III/2023, doanh nghiệp báo lỗ 64,98 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, LDG ghi nhận vỏn vẹn 500 triệu đồng doanh thu, giảm hơn 99% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm 209,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 8 tỷ đồng.
So với kế hoạch 1.448 tỷ đồng doanh thu và 3,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay, công ty còn cách rất xa.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của LDG là dòng tiền. Báo cáo tài chính các năm trong giai đoạn 2019 - 2022 của LDG cho thấy, công ty đã có 4 năm liên tiếp ghi nhận dòng tiền âm. Việc ghi nhận dòng tiền âm có thể hiểu là doanh nghiệp tiến hành tái đầu tư để phục vụ mục đích tăng trưởng, nhưng nếu tình trạng dòng tiền âm diễn ra liên tục, thì có nghĩa là doanh nghiệp đó đang đầu tư quá mức hoặc đang thua lỗ kéo dài.
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của LDG giảm 3,4% so với đầu năm, còn 7.590,5 tỷ đồng (giảm 270,3 tỷ đồng). Trong đó, tồn kho ghi nhận 1.227,9 tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 4.047,9 tỷ đồng, chiếm 53,3% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.154,8 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, tổng nợ của công ty tại ngày 30/9/2023 không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu năm, song cơ cấu nợ lại có sự thay đổi lớn. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng 527 tỷ đồng, lên 3.318 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn giảm 587 tỷ đồng, xuống còn 1.240,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ghi nhận tăng mạnh ở khoản phải trả lãi trái phiếu và phân chia lợi ích hợp tác đầu tư, từ 8,7 tỷ đồng lên 124,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, áp lực tài chính của LDG từ nay đến cuối năm là rất lớn, khi khoản vay bằng trái phiếu (mã LDGH2123002) giá trị 365 tỷ đồng sẽ đến kỳ đáo hạn vào ngày 10/12/2023.
Châu Anh