Trong quý III/2023, Vietnam Airlines khai thác gần 40.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 6,5 triệu lượt khách, trong đó 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt gần 60.000 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ.
Trong quý III/2023, Vietnam Airlines khai thác gần 40.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 6,5 triệu lượt khách, trong đó 1,8 triệu lượt khách quốc tế. |
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, mức doanh thu quý III là mức cao nhất của hãng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 đến nay và về gần mức thu bình quân mỗi quý năm 2019 trước dịch.
Vietnam Airlines lý giải kết quả này nhờ thị trường châu Âu, Australia và Mỹ phục hồi tốt. 3 tháng vừa qua, hãng vận chuyển 6,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,8 triệu lượt khách quốc tế - tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022.
Dù nguồn thu phục hồi mạnh trong quý có cao điểm du lịch hè, Vietnam Airlines chưa thể thoát lỗ bởi giá vốn cũng tăng theo và các chi phí tài chính, bán hàng tăng mạnh. Quý III, hãng hàng không quốc gia báo lỗ trước thuế hơn 2.130 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng, doanh thu thuần của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục tăng 32% so cùng kỳ, với 67.627 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các loại chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính 3.580 tỷ thì hãng hàng không này lỗ ròng 3.742 tỷ đồng sau 9 tháng, nâng lỗ lũy kế lên con số 37.932 tỷ đồng.
Chính mức lỗ này đã kéo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm nặng thêm với 13.950 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines xấp xỉ đầu năm với 60.327 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt tăng nhẹ lên 2.959 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng ở mức 898 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 19% lên mức 5.833 tỷ đồng, nhưng dự phòng khó đòi lên tới 239 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh 42% với 4.083 tỷ đồng trong đó phải trích dự phòng 221 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 74.278 tỷ đồng (tăng gần 5% so đầu năm), Vietnam Airlines đang có 59.810 tỷ đồng vay ngắn hạn, trong đó vay nợ tài chính chiếm 17.361 tỷ đồng. Còn vay nợ tài chính dài hạn giảm nhẹ xuống 11.226 tỷ đồng.
Ngày 5/10 vừa qua, Vietnam Airlines công bố thông tin tại cổng thông tin điện tử Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc thay đổi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 từ ngày 15/11 sang ngày 21/11. Lý do được đưa ra là kế hoạch công tác của lãnh đạo công ty thay đổi.
Cũng vì chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm 2022, mã cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7.
Ngay sau đó, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM thông báo chuyển cổ phiếu HVN sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7. Do đó, cổ phiếu HVN hiện chỉ được giao dịch vào các phiên chiều.
Tính từ thời điểm bị đưa vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch đến nay, cổ phiếu HVN giảm hơn 20%. Chịu tác động tiêu cực từ toàn thị trường, cổ phiếu HVN có "điểm rơi" mạnh liên tiếp từ các phiên cuối tháng 9. Tạm chốt phiên sáng 1/11, cổ phiếu HVN đang dừng ở mức giá 10.200 đồng/cp.
Châu Anh