Ngôi vị quán quân lợi nhuận quý IV/2023 đang thuộc về Chứng khoán VNDirect với mức lãi trước thuế 991 tỷ đồng, tăng đột biến gấp hơn 116 lần quý IV/2022. Tổng cộng cả năm 2023, VNDirect ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 44% so với năm trước lên mức 2.482 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022.
Ngôi vị quán quân lợi nhuận quý IV/2023 đang thuộc về Chứng khoán VNDirect. (Ảnh: Int) |
Theo sau là Chứng khoán TCBS với mức lãi trước thuế đạt 880 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, luỹ kế cả năm 2023, TCBS báo lãi lớn nhất toàn ngành với 3.028 tỷ đồng LNTT, giảm nhẹ 1% so với con số thực hiện trong năm 2022.
“Ông lớn” ngành chứng khoán là SSI thì ghi nhận lợi nhuận quý IV cao gấp 2,5 lần con số cùng kỳ năm trước, đạt 616 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2023, mức lãi thu về trước thuế vượt 2.700 tỷ, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong nhóm dẫn đầu, Chứng khoán VPS ghi nhận LNTT quý IV tăng 140% so với cùng kỳ năm trước lên 238 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi cả năm 2023 sụt giảm 18% xuống 828 tỷ.
Trong khi đó, VPBankS và Chứng khoán VIX đạt lần lượt 238 tỷ và 235 tỷ đồng trong quý IV/2023, khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2023, VPBankS và VIX cũng là hai cái tên cuối cùng thuộc nhóm lãi nghìn tỷ với giá trị lần lượt đạt 1.255 tỷ và 1.199 tỷ.
Ngoài ra, những công ty chứng khoán (CTCK) có tốc độ tăng trưởng bằng lần còn có thể kể tới Chứng khoán KIS (LNTT quý IV đạt 176 tỷ, tăng 1.078%), Chứng khoán Vietcap (LNTT 149 tỷ, tăng 360%), VCBS (LNTT 127 tỷ, tăng 127%), Chứng khoán DNSE (LNTT 122 tỷ, tăng 109%), Chứng khoán BIDV (LNTT 80 tỷ, tăng 313%)...
Nhiều CTCK chuyển từ lỗ cùng kỳ năm trước sang lãi trong quý IV năm nay như: Chứng khoán VIX (LNTT 235 tỷ), Chứng khoán Rồng Việt (LNTT 89 tỷ), Chứng khoán Tiên Phong (ORS) (LNTT 75 tỷ),...
Ngược chiều, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là cái tên thua lỗ lớn nhất trong quý IV cũng như cả năm 2023. Xét cả năm 2023, khoản lỗ đạt 394 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 250 tỷ đồng.
Đỡ hơn, Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) báo lỗ trước thuế quý IV hơn 1,4 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2023, SBBS lỗ trước thuế gần 7,3 tỷ.
Cùng cảnh ngộ, Chứng khoán Việt Tín ghi nhận lỗ trước thuế năm 2023 gần 1,6 tỷ, trong khi năm 2022 lỗ hơn 3,7 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, CTCK này ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 48 tỷ đồng.
Nhìn chung, sau cú giảm mạnh trong tháng 10 năm ngoái, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng quay đầu hồi phục. Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện rõ rệt trong phần còn lại của năm 2023. Nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) để bắt sóng hồi phục cũng theo đó gia tăng đáng kể, nhờ đó nhiều CTCK "hồi sức" tích cực.
Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối năm 2023 ước tính tăng 15.000 tỷ so với cuối quý III, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất trong vòng 7 quý kể từ quý II/2022. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ so với cuối quý III.
Quý cuối năm 2023 chứng kiến sự phân hoá rõ rệt giữa các CTCK trong hoạt động cho vay. Nhiều tên tuổi thường xuyên nằm trong top đầu như SSI, Mirae Asset, VNDirect đã chững lại, trong khi một số CTCK top sau lại có sự bứt phá mạnh mẽ.
Ấn tượng nhất phải kể đến TCBS khi CTCK này ghi nhận dư nợ cho vay tăng đến gần 3.800 tỷ sau một quý, lên trên 16.600 tỷ đồng, qua đó trở thành quán quân về cho vay tại thời điểm cuối năm 2023. Đây là lần đầu tiên TCBS vươn lên vị trí này kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008.
Bên cạnh TCBS, những cái tên như MBS, Vietcap, VPBankS cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong quý cuối năm ngoái với giá trị đều trên 2.000 tỷ đồng. HSC, VPS, FPTS cũng tăng dư nợ cho vay nhưng khiêm tốn hơn. Ngược lại, Mirae Asset và VNDirect là 2 CTCK có dư nợ cho vay sụt giảm mạnh nhất sau quý IV, tuy nhiên mức giảm không lớn so với quy mô.
Châu Anh