NVL và PDR có khả năng bị loại khỏi rổ VN30 trong ngày 17/7 tới. (Ảnh minh họa) |
Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, chỉ số VN30 sẽ thêm mới 2 cổ phiếu SSB (Ngân hàng Đông Nam Á) và SHB (Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội).
Theo đó, BSC dự kiến SSB sẽ được mua mới 14,6 triệu cổ phiếu, SHB được mua mới 19,5 triệu cổ phiếu. Ngược lại, NVL dự kiến bị bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu và PDR bị bán ra 2,3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, trong kỳ điều chỉnh lần này, VPB (VPBank) và MBB (MBBank) cũng được dự báo sẽ bị bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu.
PDR và NVL là hai cổ phiếu cùng chung “thảm cảnh” khi gánh chịu “làn sóng” bán tháo cũng như bán giải chấp trong giai đoạn cuối năm 2022. Mặc dù thời gian qua, dòng tiền mua đã quay trở lại giúp thị giá phục hồi phần nào song để trở về như thời kỳ “hoàng kim” năm 2021 vẫn còn khá xa vời.
Cụ thể, PDR đã lao dốc từ vùng giá sát 70.000 đồng/cp xuống vùng đáy 10.000 đồng/cp, tức giảm 5 lần. Vốn hóa theo đó từ gần 47.000 tỷ đồng rớt xuống chỉ còn gần 7.000 tỷ đồng. Hiện PDR đang giao dịch ở vùng giá gần 17.000 đồng/cp, vốn hóa đạt hơn 11.400 tỷ đồng. Đây cũng là một trong 3 mã có giá trị thấp nhất VN30, cùng với POW và NVL.
Trong khi đó, NVL lao dốc mạnh hơn khi giảm từ vùng 86.000 đồng/cp xuống vùng đáy 10.000 đồng. Vốn hóa theo đó “bay” gần 150.000 tỷ đồng sau 5 tháng (từ 168.000 tỷ đồng xuống 19.500 tỷ đồng). Hiện NVL đang giao dịch ở vùng giá gần 15.000 đồng/cp, vốn hóa đạt gần 29.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong khi cổ phiếu hồi phục đáng kể, các cổ đông lớn và lãnh đạo của Novaland vẫn liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu như Novagroup và CTCP Diamond Properties (công ty có vợ ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland làm chủ tịch).
Cổ phiếu NVL bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4, do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Công ty đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán ngay sau đó nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định mới từ HoSE.
Châu Anh