Chốt phiên, cổ phiếu HPG tăng lên mức 27.000 đồng/cp. Cùng với đó, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 13 triệu đơn vị - đứng đầu toàn thị trường về thanh khoản.
Thanh khoản cổ phiếu HPG cao nhất toàn thị trường. |
Theo thông tin mới nhất, một số báo cáo nghiên cứu thị trường nhận định năm 2025, ngành thép tiếp tục sẽ có nhiều diễn biến khả quan.
Nhiều ý kiến đánh giá, thép là một trong những ngành có sự hồi phục rõ nét trong năm 2024. Các doanh nghiệp lớn gồm Tập đoàn Hoà Phát đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 105.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bước sang năm 2025, một số đơn vị phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành thép. Trong báo cáo chiến lược năm 2025 vừa phát hành, Chứng khoán MB (MBS) dẫn thông tin từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến giảm 0,9% so với cùng kỳ trong năm 2024, do nhu cầu yếu đi từ Trung Quốc đến từ khủng hoảng thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa vẫn tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17 triệu tấn; nhờ vào sự tăng trưởng của thép xây dựng và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG).
Năm 2025, MBS kỳ vọng sự gia tăng nguồn cung nhà ở và đầu tư công sẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thép; khi các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ bởi các luật mới liên quan và một số dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành...
MBS dự báo tổng sản lượng thép trong năm 2024 đạt 19,8 triệu tấn (tăng 21% so với cùng kỳ) và sẽ đạt 21,8 triệu tấn (tăng 10%) trong năm 2025.
Với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, MBS cũng cho rằng giá thép xây dựng Việt Nam sẽ có tăng trưởng tích cực từ quý IV/2024.
Ngoài ra, MBS kỳ vọng việc thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép HDG có thể được áp dụng vào năm 2025, giúp thị phần của các nhà sản xuất trong nước có thể cải thiện. Đơn vị phân tích dự báo thị phần của Hòa Phát trong phân khúc HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá áp dụng đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ.
Về cổ phiếu, MBS đánh giá cao triển vọng cổ phiếu HPG vì cho rằng hiện cổ phiếu này đang được định giá thấp hơn so với mức trung bình của các chu kỳ trước. MBS dự phóng năm 2025, lợi nhuận ròng của Hòa Phát có thể đạt 17.995 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP AzFin Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của ngành thép đã qua, kỳ vọng thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt.
Sức bật từ nhu cầu nội địa sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới. Theo ông Phục, trong đà phục hồi của ngành thép, lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất sâu như Hòa Phát, và động lực lớn đến từ dự án Dung Quất 2.
Ngày 5/12/2024, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nằm trong Khu kinh tế Dung Quất.
Theo kế hoạch, siêu dự án sẽ được đưa vào sản xuất giai đoạn 1 trong năm 2025, lò cao 1 đi vào vận hành 50% công suất, tương đương 1,4 triệu tấn, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ bắt đầu hoạt động với 50% công suất, trong khi công suất lò số 1 được nâng lên 80%. Đến năm 2028, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa.
Châu Anh