Cụ thể, cổ phiếu VIC đã ngay lập tức tăng vọt tới hơn 6% ngay khi mở phiên 14/5. So với mức giá thấp nhất từ đầu năm ghi nhận vào ngày 23/4, thị giá cổ phiếu này đã tăng 17%.
Vốn hóa thị trường của Vingroup tương ứng khoảng 184.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong danh sách các doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sau Vietcombank (VCB) và BIDV (BID). Nếu tính trên toàn sàn, vốn hóa hiện đang thấp hơn "bộ đôi" Viettel Global (VGI) và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) trên UPCoM.
Cổ phiếu VIC, VHM và VFS đồng loạt tăng mạnh. |
Một cổ phiếu khác thuộc “họ Vin” là VHM cũng hưởng ứng tích cực khi cùng mang “sắc xanh” tích cực ngay từ đầu phiên.
Trước đó, cổ phiếu VFS cũng có phiên 13/5 giao dịch bùng nổ trên Nasdaq và đóng cửa với mức tăng 51,5% lên 4,56 USD/cp. So với đáy vào cuối tháng 4, thị giá VFS đã tăng gấp đôi. Vốn hóa thị trường (theo companiesmarketcap.com) tương ứng hơn 10 tỷ USD, xếp thứ 7 trong lĩnh vực xe điện toàn cầu.
Đà “bùng nổ” của nhóm cổ phiếu “họ Vin” diễn ra sau thông tin từ ngày 13/5, VinFast đã chính thức nhận cọc mẫu cọc mẫu xe điện mini VF 3. Cụ thể, từ 6 giờ ngày 13/5 đến hết ngày 15/5, VinFast VF 3 có mức giá ưu đãi 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin). Sau thời gian trên, giá bán của VF 3 được điều chỉnh lần lượt là 240 triệu đồng/xe (thuê pin) và 322 triệu đồng/xe (kèm pin) cho 4 màu ngoại thất cơ bản.
Về tình hình kinh doanh quý I/2024, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 21.739 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vingroup đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động sản xuất tiếp tục thêm 1 quý nữa vượt doanh thu bất động sản. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng tăng cao lên 18.941 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con 17.690 tỷ đồng.
Với trụ cột Công nghệ – Công nghiệp, VinFast bám sát lộ trình tăng trưởng với việc ra mắt thương hiệu tại Indonesia và Thái Lan, thiết lập hiện diện ở khu vực Trung Đông, khởi công xây dựng nhà máy tại Ấn Độ và mở rộng mạng lưới bán hàng quốc tế trong quý I/2024.
Đồng thời, VinFast đã ký hợp đồng phân phối với 10 đại lý mới, nâng tổng số đối tác đại lý lên 16 ở 7 bang tại Mỹ, bao gồm North Carolina, New York, Texas, Florida, Kansas, Connecticut, và Kentucky. Các đại lý ký mới sẽ mở bán từ quý II.
VinFast bàn giao tổng cộng 9.689 ô tô điện trong quý đầu năm, tăng 444% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường nội địa tiếp tục đóng góp phần lớn vào doanh số bán hàng trong quý I. Song song với đó, VinFast cũng đã bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ tại thị trường Mỹ và một số đại lý mới đã bắt đầu ghi nhận doanh số.
Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, với doanh thu kỷ lục 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu Vingroup dự kiến tăng 23,7% còn lợi nhuận tăng 119%.
Trong năm 2024, VinFast đặt mục tiêu đẩy mạnh sản lượng xe bản giao và tập trung tối ưu chỉ phí thông qua các sáng kiển về thiết kế, mua hàng, và sản xuất.
Năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối, tận dụng mạng lưới địa phương và kiến thức chuyên môn của các đại lý với mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024. Cũng trong năm 2024, VinFast sẽ bàn giao mẫu mới tại thị trường Mỹ và xuất khẩu xe đến châu Âu, và bắt đầu phân phối tại Indonesia.
Về kế hoạch niêm yết các công ty con, Tập đoàn đang thực hiện các thủ tục để niêm yết Công ty Vinpearl thành công lên sàn chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm. Đồng thời, Tập đoàn cũng đang tiến hành mở rộng và phát triển mạnh Taxi Xanh SM (GSM) ra quốc tế.
Châu Anh