Nhìn lại tháng 10, cổ phiếu FRT đã ghi nhận một tháng tăng giá khá tốt, bất chấp thị trường chung điều chỉnh mạnh. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch 5/10, thị gia cổ phiếu FRT đã có lúc đạt tới 96.000 đồng/cp - mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của FPT Retail.
Phiên 30/10, cổ phiếu FRT giảm sàn về mức 86.400 đồng/cp. |
Thời điểm đó, so với loạt cổ phiếu bán lẻ lĩnh vực công nghệ khác, cổ phiếu FRT cho thấy sự bứt phá vượt trội. Cụ thể, chỉ trong vòng 30 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu FRT đã tăng hơn 39%; trong khi đó, cổ phiếu DGW của Thế Giới Số chỉ tăng 15% và cổ phiếu MWG của Thế giới Di động gần như đi ngang.
Tuy nhiên, sau khi vọt lên mức đỉnh, cổ phiếu FRT điều chỉnh giảm dần và đi ngang trong vùng giá 92.000 đồng/cp. Cho đến phiên hôm nay, sau khi giảm về mức giá sàn, cổ phiếu này đã về vạch xuất phát (chốt phiên 3/10 là 89.000 đồng/cp).
Theo quan sát, đà tăng của cổ phiếu FRT trong thời vừa qua phần nào được hỗ trợ bởi dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, nhóm quỹ Dragon Capital đã gom mua thêm khoảng 1,5 triệu cổ phiếu FRT trong tháng 9 vừa qua, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,01% vốn điều lệ FPT Retail (tương đương 12,28 triệu cổ phần).
Xét về hoạt động kinh doanh, hiện tại, doanh nghiệp chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Trước đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 14.924 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ, nhưng báo lỗ ròng gần 213 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 216 tỷ đồng và còn cách rất xa mục tiêu doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng cả năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu và cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong giai đoạn vừa qua, buộc chuỗi FPT Shop cũng phải thực hiện chiến lược giảm giá bán để giữ thị phần. Động thái này đã khiến chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FPT Retail tăng tới 40% nhưng doanh thu chỉ tăng 15% trong quý II/2023.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail, khó khăn của doanh nghiệp có thể còn kéo dài hết năm 2023.
Châu Anh