Chốt phiên, cổ phiếu VHM giảm về mức 41.500 đồng/cp với tổng khối lượng đạt hơn 6,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, từ mức đáy khoảng 34.500 đồng/cp hồi đầu tháng 8, cổ phiếu này vẫn tăng hơn 20%.
Diễn biến cổ phiếu VHM trong phiên 4/10. |
Trước đó, cổ phiếu VHM đã ghi nhận 6 phiên mua ròng liên tiếp của khối ngoại với tổng giá trị 503 tỷ đồng (11,6 triệu đơn vị).
Đáng chú ý, trong tháng 9 vừa qua, khối ngoại quay lại mua ròng 445.733 cổ phiếu VHM với giá trị 16,3 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 10 tháng bán ròng liên tục.
Từ tháng 11/2023 đến tháng 8/2024, khối ngoại đã bán tổng cộng 459,2 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng giá trị 18.556,6 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu giảm từ 24,72% xuống 13,86%, mức thấp nhất trong suốt hơn 6 năm niêm yết.
Sự tích cực này diễn ra sau khi Vinhomes, công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam, công bố thương vụ mua lại 370 triệu cổ phiếu để bảo vệ lợi ích cổ đông, và kế hoạch này đã được tán thành vào ngày 5/9.
Về lý thuyết, sẽ mất thêm 7 ngày làm việc để được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế quá trình phê duyệt có thể kéo dài hơn do giá trị giao dịch lớn. Đây là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cả về khối lượng và giá trị.
Bên cạnh đó, thông tin Vinhomes mở bán đại dự án Vinhomes Cổ Loa (Cổ Loa Global Gate), sắp tới là dự án chiến lược Vinhomes Đan Phượng (Vinhomes Wonder Park) cũng là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán.
Theo VNDirect, tổng giá trị doanh số bán hàng chưa ghi nhận lũy kế tại cuối tháng 6/2024 của Vinhomes tăng hơn 33% so với cùng kỳ lên 118.700 tỷ đồng. Đây được xem là động lực lớn hỗ trợ giá cổ phiếu này.
Vinhomes ghi nhận doanh thu mảng xây dựng tăng vọt nhờ công ty con Vincons, với vai trò là tổng thầu cho các dự án lớn của Vinhomes. Ngoài ra là tín hiệu tích cực từ mảng bất động sản công nghiệp, với việc dự án khu công nghiệp của Vinhomes tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 7.
Châu Anh