Trước đó, bước vào phiên sáng, cổ phiếu ACB đã tăng tốc với biên độ tăng trên dưới 5% và giao dịch ở vùng đỉnh mới sát mức giá 30.000 đồng/cp, đồng thời thanh khoản cũng dẫn đầu rổ bluechip khi có hơn 15,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Dù vậy, chốt phiên sáng, cổ phiếu này đã không giữ được mức giá cao nhất trong phiên và tạm chốt ở mức 29.650 đồng/cp (+4,2%) với thanh khoản đột biến, đạt vị trí dẫn đầu toàn thị trường với gần 22,5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ACB vẫn giữ được "sắc xanh" tích cực, ngược dòng thị trường chung. |
Đà tăng bất ngờ cùng thanh khoản nhảy vọt của cổ phiếu ACB diễn ra sau thông tin nhà băng vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu là ngày 3/6/2024.
Theo đó, cổ đông ACB sẽ được trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6, tương ứng tổng số tiền chi trả là 3.884 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACB còn dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Tuy nhiên, thời điểm thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu chưa được công bố.
Như vậy, ACB là ngân hàng thứ 4 công bố thời điểm trả cổ tức tiền mặt trong những tuần gần đây. Cụ thể, MB (MBB), Techcombank (TCB), VPBank (VPB) sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2024, với tổng số tiền lên tới 15.870 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, ACB ghi nhận quý đầu năm kém sắc với lợi nhuận trước thuế đạt 4.892 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của ACB đạt 727.298 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng của ACB ở mức 506.122 tỷ đồng (ngân hàng không có trái phiếu doanh nghiệp), tăng 3,8% so với đầu năm. Huy động tăng 2,1%, ở mức 492.804 tỷ đồng.
Năm 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 12% lên 805.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% lên 593.779 tỷ đồng.
Châu Anh