Ngày 2/1/2018, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – công ty TNHH MTV (VTC) sẽ bán đấu giá 1,02 triệu cổ phần – tương đương 44,75% số cổ phần đang lưu hành của CTCP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) với mức giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần. Tổng số tiền VTC ước thu về là 110 tỷ đồng.
Giá chào bán bằng 1/5 giá ban đầu
VTC Online được thành lập vào tháng 4/2008, hiện có vốn điều lệ hơn 24 tỷ đồng, trong đó có 2,27 triệu cổ phần đang lưu hành. Số cổ phần VTC đưa ra đấu giá chiếm 42,4% vốn điều lệ công ty – cũng là toàn bộ số cổ phần mà VTC đang nắm giữ.
Tính đến 14/7/2017, VTC Online chỉ có 22 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức và 18 cá nhân, với 3 cổ đông lớn là VTC và hai quỹ ngoại khác là Quỹ Deutsche Bank (DWS) và IDG Ventures Vietnam LP (IDGVV).
VTC Online có hai công ty con, trong đó có 1 công ty VTC Online ở Indonesia (sở hữu 100% vốn) và CTCP Đầu tư phát triển giáo dục do VTC Online sở hữu 99% vốn.
Tính theo mức giá khởi điểm vừa chào bán là 107.388 đồng/cp, giá trị của VTC Online tương ứng đạt 245 tỷ đồng, tương đương 10,8 triệu USD. Thú vị là năm 2012, quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund, nay là Vietnam Phoenix Fund, đã đầu tư 10 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần của VTC Online.
Tuy nhiên, sau 3 năm đầu tư, thương vụ này đã giảm giá trị gần 80%. Từ mức định giá 51,3 triệu USD của Vietnam Phoenix Fund năm 2012, hiện giá trị của VTC Online chỉ còn khoảng 11 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị VTC giờ chỉ bằng 1/5 so với định giá của DWS Vietnam Fund cách đây 5 năm.
Trong khi đó, xu hướng chung hiện nay của các công ty công nghệ, startup tại Việt Nam đã tăng giá gấp hàng chục lần chỉ trong vài 3 năm như Tiki, Foody…
![]() |
Nguyên nhân thua lỗ lớn của năm 2014 chủ yếu xoay quanh các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game. Công ty có lãi trở lại trong năm 2015-2016, nhưng cũng chỉ rất khiêm tốn, đạt lần lượt là 8 tỷ và 10 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh “thê thảm”
VTC Online kinh doanh chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, phân phối thẻ viễn thông, cho thuê tòa nhà văn phòng 18 Tam Trinh, kinh doanh giáo dục.
Tiềm lực tài chính của VTC Online đã tăng lên đáng kể khi lần lượt nhận được vốn đầu tư của IDG Ventures Vietnam vào năm 2010 và DWS Vietnam Fund vào năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VTC Online bắt đầu sa sút từ năm 2014 với khoản lỗ ròng 102 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ lớn của năm 2014 chủ yếu xoay quanh các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game. Công ty có lãi trở lại trong năm 2015-2016, nhưng cũng chỉ rất khiêm tốn, đạt lần lượt là 8 tỷ và 10 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của VTC Online cho biết, doanh thu năm 2015 của công ty này đạt hơn 839 tỷ đồng. Sang năm 2016, doanh thu của công ty tăng gần 1.000 tỷ đồng, đã đạt 1.829 tỷ đồng, tăng trưởng 118%, nhưng biên lãi gộp khá mỏng, chỉ đạt vỏn vẹn 33 tỷ đồng.
Tuy doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 chỉ hơn 9,8 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2015.
Doanh thu tăng chủ yếu là do doanh thu game online, tăng vọt từ 428 tỷ lên 1.528 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn của hoạt động kinh doanh game trong năm 2016 lên đến 1.537 tỷ, tức hoạt động này bị lỗ lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động kinh doanh chính năm 2016 vẫn lỗ, công ty có lãi chủ yếu là nhờ các khoản thu từ phạt vi phạm hợp đồng, xóa nợ.
Hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất của VTC Online là quảng cáo, với 41,6 tỷ doanh thu và 24 tỷ đồng lãi gộp. Lợi nhuận từ kinh doanh tòa nhà văn phòng còn lại không đáng kể sau khi chia lãi hợp tác kinh doanh cho công ty VTC Intecom.
Mặc dù sở hữu nhiều quỹ đất tại những vị trí khá tốt, cùng tình hình kinh doanh 2 năm liền trước tăng trưởng tương đối nhưng công ty lại đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2017.
Cụ thể, năm 2017, VTC Online đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất giảm mạnh gần 60% về mức 736 tỷ đồng. Thậm chí, VTC Online còn dự kiến lỗ đến 16 tỷ đồng trong năm nay.
Lý do cụ thể chưa được công ty công bố, nhưng hiện ba cổ đông lớn của công ty vẫn chưa thông qua kế hoạch kinh doanh trên.
Thùy Linh