![]() |
Các nhà đầu tư được khuyến cáo tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhưng chú ý khối lượng vừa phải. |
Tuần qua (22-26/11), sau 3 phiên tăng điểm và 2 phiên điều chỉnh, VN-Index đã cộng thêm 40,68 điểm (+2,8%), đóng cửa tại mức 1.493,03 điểm. Trong tuần, VN-Index đã chạm mức cao nhất và thấp nhất lần lượt là 1.511,68 điểm và 1.438,41 điểm.
Tương tự, HNX-Index cũng tăng 4,66 điểm (+1%) lên mức 458,63 điểm với 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, HNX-Index chạm mức cao nhất là 463,76 điểm và thấp nhất là 437,53 điểm.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường duy trì ở mức khả quan, đạt 37.200 tỷ đồng/phiên trên 2 sàn và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 165.943 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng 5.341 triệu cổ phiếu; tổng giá trị giao dịch trên HNX là 20.188 tỷ đồng với khối lượng 724 triệu cổ phiếu.
Điểm sáng trong tuần qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có tới 26/27 mã cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản bùng nổ với hơn 1,32 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 44.548 tỷ đồng, tăng gần 70% về khối lượng và tăng 79% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, các mã tăng mạnh là các mã trong nhóm vốn hoá lớn - một trong những động lực chính giúp cho VN-Index và VN30 thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, như VCB (+8,1%), BID (+2,4%), CTG (+4,6%), TCB (+3,3%), MBB (+7,1%), VPB (+8,3%), ACB (+3,4%), SHB (+7,3%)...
Theo sau là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 2,5% giá trị vốn hoá, nhờ đà tăng của các cổ phiếu thuộc nhánh bất động sản như VIC (+3,9%), VHM (+3,5%), NVL (+8,3%).., và khu vực chứng khoán như SSI (+10,3%), HCM (+4,5%), VCI (+6,2%), VND (+4%), SHS (+9,5%), FTS (+3,8%)...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng tăng 1,6% với các trụ cột như VNM (+2,6%), MSN (+6,9%)... Nhóm công nghệ thông tin cũng tăng 1,6% vốn hoá với trụ cột là FPT (+3,8%)... Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ như nguyên vật liệu (+0,9%), dược phẩm và y tế (+0,9%), dịch vụ tiêu dùng (+0,9%)…
Trong tuần, khối ngoại bán ròng với giá trị ròng 3.295 tỷ đồng, tương ứng trên 88 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã VPB bị bán ròng nhiều nhất với 39 triệu cổ phiếu, tiếp theo là HPG với 9,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, CTG được mua ròng nhiều nhất với 7,6 triệu cổ phiếu.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 57 tỷ đồng với khối lượng 1,78 triệu cổ phiếu. CEO là mã dẫn đầu về khối lượng rút ròng 2,15 triệu cổ phiếu, theo sau là NVB với 386.000 cổ phiếu.
Mặc dù không giữ được mốc 1.500 điểm, nhưng thanh khoản của thị trường tuần qua vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần, cho thấy lực cầu mua lên vẫn tốt và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội.
Trên góc nhìn kỹ thuật, công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) phân tích, VN-Index vẫn đang trong sóng lên khoảng 1.530-1.550 điểm. Dự báo, trong tuần này, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, thị trường sẽ có những phiên rung lắc có thể xảy ra. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong thời điểm hiện tại.
Tương tự, công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, áp lực chốt lời ngắn hạn dần tăng trong khi dòng tiền vẫn còn thận trọng tại vùng cản tâm lý 1.500 điểm. Hiện tại, VN-Index vẫn giữ được trên vùng hỗ trợ 1.480 -1.490 điểm nhờ đà tăng của cổ phiếu VIC và VPB. Nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại và chờ tín hiệu tại vùng hỗ trợ 1.480 – 1.490 để đánh giá lại trạng thái thị trường. Đồng thời, nên giữ danh mục ở mức cân bằng, tránh ở mức quá mua, để không gặp phải rủi ro bất ngờ.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường và cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản tăng đột biến trong những phiên kiểm tra lại vùng kháng cự.
Với các nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý IV cũng như năm 2022.
H.Giang