Covid-19 vẫn là rủi ro lớn với thị trường trong tuần giao dịch này, nhưng tâm lý của các nhà đầu tư đã vững vàng hơn trước đó. |
Trước kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch biến động mạnh, nhưng chỉ số Vn-Index vẫn đi lên cùng với thanh khoản gia tăng. Tuy nhiên, độ rộng thị trường bị thu hẹp với chỉ ít mã cổ phiếu bluechip có mức tăng mạnh, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều bị chốt lời, giảm giá.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 26 - 29/4, Vn- Index tăng 9,82 điểm lên 1.248,53 điểm, trong khi HNX - Index giảm 9,48 điểm xuống 283,63 điểm. Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó do chỉ có 4 phiên giao dịch, nhưng trung bình phiên tiếp tục ở mức cao với khoảng gần 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến phục hồi của thị trường trong các phiên tuần qua hoàn toàn tương đồng với các số liệu vĩ mô tháng 4 tích cực, cùng với số liệu tăng trưởng của doanh nghiệp trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021.
Tuần qua, thị trường có nhịp kiểm tra thành công ngưỡng 1.200 điểm bằng 3 phiên tăng liên tiếp, nhưng đây vẫn có thể là nhịp hồi mang tính kỹ thuật trong ngắn hạn.
Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Mỹ, cả Dow Jones và Nasdaq đều ghi nhận mức giảm trong tuần qua, chỉ có S&P 500 vẫn giữ được xu thế tăng. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 4 chỉ số Dow Jones vẫn tăng 2,7%, Nasdaq Composite tiến 5,4%, còn S&P 500 cộng thêm 5,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Vn-Index vẫn ở trong xu hướng tăng dài hạn nhưng nhiều khả năng sẽ duy trì nhịp tích lũy trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thanh khoản đang có chiều hướng giảm tại những phiên giảm điểm cho thấy rủi ro đang không quá cao. Vn-Index trong tuần này nhiều khả năng sẽ hướng về quanh ngưỡng 1.250.
Bên cạnh đó, việc rủi ro xuất hiện một đợt bùng phát dịch mới hiện đang khiến tâm lý các nhà đầu tư có phần thận trọng nhất định và có thể khiến quá trình quay trở lại đà tăng của thị trường diễn ra chậm hơn.
Đồng quan điểm, ông Lâm Gia Khang - Phụ trách chiến lược thị trường Công ty chứng khoán Vietinbank cho biết, thị trường đang xuất hiện rủi ro cao hơn so với trước kỳ nghỉ lễ. Đầu tiên là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với nguy cơ phải tiến hành giãn cách xã hội tại một số khu vực.
Ngoài ra, diễn biến tăng 0,22 – 0,34 điểm phần trăm tại tất cả các kỳ hạn dưới 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng cho thấy khả năng các ngân hàng có thể nâng mức lãi suất huy động trong thời gian tới, khiến các kênh đầu tư khác với độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn.
Cũng cho rằng rủi ro lớn nhất hiện nay của thị trường là nỗi lo về dịch Covid-19, ông Trần Đức Anh-Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán KB Việt Nam lại khẳng định, tâm lý của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại đã vững vàng hơn nhiều so với quá khứ. Ngay cả khi các ca nhiễm mới xuất hiện, nếu tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát, tác động đến thị trường chung sẽ không quá lớn.
Thực tế, tại những đợt tái bùng phát trước đó, thị trường thường có nhịp tăng tốt và mạnh khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, kích hoạt dòng tiền quay lại, tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường. Minh chứng gần đây nhất là đợt bùng phát dịch thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi quay lại giao dịch thị trường ghi nhận mức tăng tốt, cùng với lượng tài khoản mở mới kỷ lục.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (VDSC) cho biết, với việc kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.200 điểm trong tuần cuối tháng 4, thị trường có khả năng sẽ hình thành giai đoạn biến động đi ngang để tích luỹ tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn.
Theo đó, BVSC dự báo, Vn-Index sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong tuần đầu tháng 5. Đây vẫn là vùng kháng cự có khả năng tạo ra áp lực rung lắc, điều chỉnh cho chỉ số khi tiếp cận.
Đưa ra góc nhìn tích cực hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, chuỗi ngày tăng điểm vẫn chưa chấm dứt và hầu hết các cổ phiếu tăng giá đều nằm trong nhóm vốn hóa lớn cho thấy, dòng tiền đang tập trung mạnh vào đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Xu hướng này vẫn tỏ ra mạnh mẽ và chưa thấy điểm dừng lại.
“Do đó, các nhà đầu tư hãy "nương theo dấu chân" dòng tiền lớn để cùng nhau tìm kiếm cơ hội tốt trên thị trường”, VDSC khuyến nghị.
M.Khuê