![]() |
Các chỉ số có thể vẫn diễn biến ngược chiều trong phiên hôm nay. |
Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán quốc tế cuối tuần trước đã không tạo hiệu ứng tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần (8/3) khi liên tiếp gặp khó khăn tại vùng 1.200 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ.
Tâm lý chốt lời luôn chực chờ khiến thị trường không thể bứt phá. Vn-Index lình xình quanh mốc tham chiếu khi hàng loạt mã bluechips thất bại và dòng tiền chảy mạnh sang các mã nhỏ.
Chốt phiên chỉ số này giảm 0,42 điểm (0,04%), xuống 1.168,27 điểm. Nhóm bluechips là một trong những nhân tố chính tạo sức ép cho thị trường với các mã lớn như VHM giảm 1,2% xuống 97.200 đồng, VCB giảm 1,2% xuống 95.200 đồng, MSN giảm 2% xuống 87.400 đồng…
Trái ngược với sàn HoSE, trên sàn HNX giao dịch vẫn duy trì tích cực nhờ lực cầu sôi động. Đóng cửa, sàn HNX có 158 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 3,61 điểm (1,39%), lên 263,42 điểm. Nhóm HNX30 giao dịch khởi sắc khi chỉ còn NVB, LAS và LHC giảm nhẹ, còn lại đều đứng giá hoặc tăng.
Trên sàn UPCoM, sắc xanh cũng lan tỏa thị trường giúp UPCoM-Index duy trì đà tăng tốt. Đóng cửa, chỉ số UpCoM-Index tăng 0,86 điểm (1,09%), lên 79,42 điểm với 207 mã tăng và 76 mã giảm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện so với phiên cuối tuần trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.416 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ bán ròng với tổng giá trị gần 1.270 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), diễn biến phiên giao dịch ngày hôm qua cho thấy áp lực cung giá cao đang gây ra lực cản cho đà hồi phục của thị trường và khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn còn để ngỏ.
Mặc dù vậy, KBSV vẫn cho rằng, xu hướng tăng hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo nên đây chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quá trình đi lên.
Nhà đầu tư được KBSV khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn, chờ các nhịp điều chỉnh để tích lũy và dần nâng tỷ trọng trở lại cho vị thế ngắn hạn, đặc biệt trong kịch bản VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 1.100-1.110 điểm
Trong khi đó, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận, dòng tiền phân hóa chảy vào một số nhóm ngành khi chỉ có 12/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước và độ rộng thị trường tích cực cho thấy, dòng tiền đầu tư đang chảy về nhóm Midcap (cổ phiếu có vốn hóa trung bình).
"Với xu hướng dòng tiền nội chảy vào nhóm Mid-cap và khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX, VN-Index nhiều khả năng vận động tích lũy trong vùng 1.160-1.200 điểm trong các phiên giao dịch tới, BSC dự báo.
Cũng với quan điểm thận trọng, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Vn-Index dự báo tiếp tục giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu ở bên dưới vùng kháng cự 1.185 - 1.200 điểm trong những phiên kế tiếp. Biến động của thị trường thế giới vẫn sẽ là yếu tố tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vn-Index dự kiến vẫn sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185 - 1.200 điểm và cận dưới 1.150 - 1.155 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh tích lũy. Dòng tiền sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong giai đoạn này.
Phân hoá cũng là quan điểm mà Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra khi nhận định về diễn biến thị trường trong phiên hôm nay.
Yuanta Việt Nam cho rằng, điểm tiêu cực là tâm lý thận trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên thị trường chưa thể vượt được mức kháng cự 1.200 điểm của VN-Index.
Đồng thời, FSC cho rằng, sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên kế tiếp. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp nên chiến lược phù hợp ở giai đoạn hiện tại là nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.
M.K