![]() |
Có thể chưa có nhiều đột biến trong phiên giao dịch ngày 4/3 |
Thị trường chứng khoán hôm qua (3/3) mở cửa trong sắc đỏ. Các chỉ số giao dịch giằng co, Vn-Index đã liên tục xoay vần từ giảm nhẹ đến tăng nhẹ. Với biên độ cực hẹp, Vn-Index không tạo ra sự bứt phá đáng kể nào nhưng cuối cùng vẫn kết thúc phiên với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index tăng 0,34 điểm (tương đương 0,03%) lên 1.186,95 điểm với 270 mã tăng và 168 mã giảm; HNX-Index đóng cửa tăng 6,16 điểm (2,48%), lên 254,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (0,83%), lên 78,10 điểm với 180 mã tăng và 101 mã giảm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 13.751 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng với tổng giá trị gần 490 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, khi diễn biến thị trường có những dấu hiệu khiến nhà đầu tư có cảm giác không chắc chắn, thì thị trường lại khỏe bất ngờ cùng với thanh khoản giữ ở mức cao, mà phiên hôm qua là một trong những phiên như vậy. Khi cả thị trường tưởng chừng như Vn-Index sẽ quay về test ngưỡng 1.150 điểm sau phiên 2/3, thì tiếp tục được kéo lên và giữ vững mốc 1.185 điểm.
Theo MBS, về mặt tâm lý, phiên tăng hôm qua sẽ mang lại hy vọng cho thị trường bước vào sóng tăng tiếp diễn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi có thể cần test lại quanh mốc ngắn hạn này và những phiên điều chỉnh có thể xảy ra để tạo đà bứt phá cho xu hướng tăng tiếp diễn.
Cũng đưa ra cái nhìn thận trọng, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, Vn-Index ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng cuối cùng vẫn kết thúc phiên với mức tăng nhẹ trong phiên 3/3, dòng tiền có sự cải thiện với 12/19 nhóm ngành tăng điểm dù khối ngoại vẫn đang bán ròng trên cả HoSE và HNX.
Bên cạnh đó, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên trước. "Theo đánh giá của chúng tôi, Vn-Index có thể sẽ chưa xuất hiện nhiều đột biến trong xu hướng vào phiên hôm nay", BSC nhận định.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) lại đưa ra nhận định, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm để lấy đà trước khi bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới. Trong kịch bản tiêu cực hơn, thị trường có thể sẽ có nhịp chỉnh mạnh giống như diễn biến trong tháng 1/2021 sau một thời gian không thể vượt đỉnh.
Tuy nhiên, xu hướng trung hạn vẫn là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.130-1.135 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng dự báo, Vn-Index có thể sẽ tiếp tục hướng về mức 1.200 điểm trong phiên 4/3.
FSC phân tích, điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục phân bổ đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là HNX-Index đạt mức cao nhất 52 tuần và UPCoM-Index có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Từ đó, kịch bản Vn-Index vượt đỉnh lịch sử vẫn được công ty chứng khoán này đánh giá cao.
Về chiến lược đầu tư, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khuyến cáo nhà đầu tư duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70%. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn.
Các nhịp rung lắc, điều chỉnh vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
M.K