Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Ba (29/12) sau khi đạt các mức cao mọi thời đại mới, do nhà đầu tư cân nhắc khả năng có thêm gói kích thích tài chính sẽ được Quốc hội thông qua.
Đà giảm điểm trong phiên 29/12 đã làm đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp của cả Dow Jones và S&P 500 (Ảnh: Int) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones lùi 68,30 điểm (tương đương 0,2%) xuống 30.335,67 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 3.727,04 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,4% còn 12.850,22 điểm. Đà giảm điểm trong ngày thứ Ba đã làm đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp của cả Dow Jones và S&P 500.
Tất cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức cao kỷ lục vào đầu phiên. Tại mức cao nhất trong phiên, Dow Jones tăng hơn 100 điểm.
Bất chấp đà giảm điểm trong ngày thứ Ba, chứng khoán Mỹ vẫn tiến về cuối năm với mức tăng mạnh đáng ngạc nhiên. S&P 500 leo dốc 15,4% trong năm 2020, Dow Jones vọt 6.3%. Trong khi, Nasdaq Composite bứt phá 43,2% từ đầu năm đến nay khi nhà đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple, Amazon và Facebook.
Trong một diễn biến liên quan, theo một cuộc khảo sát mới của CNBC, đa số nhà đầu tư cho rằng, trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden, đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không mạnh như 4 năm qua.
CNBC đã thăm dò ý kiến của nhiều nhà đầu tư, trader và chiến lược gia về quan điểm đầu tư cổ phiếu trong năm tới. 2/3 số người được thăm dò cho biết, 4 năm của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden sẽ tồi tệ hơn đối với chứng khoán so với nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 60% nhờ vào việc cắt giảm thuế doanh nghiệp mang tính bước ngoặt dẫn đến lợi nhuận tăng vọt và hoạt động mua lại cổ phiếu đạt mức kỷ lục. Chính quyền Trump cũng đã nới lỏng nhiều quy định trong 4 năm qua, tạo ra một môi trường thân thiện với thị trường cho dầu mỏ và các ngành công nghiệp khác.
Trong khi các nhà đầu tư tin rằng các chính sách của ông Biden có thể tạo ra những luồng gió cho thị trường chung, một số lĩnh vực sẽ có giá tốt hơn những lĩnh vực khác. Theo khảo sát, các nhóm ngành tiêu dùng, công nghiệp và tài chính sẽ hoạt động tốt nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Trong khi đó, cổ phiếu tiện ích, mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng và năng lượng có thể gặp khó khăn hơn trong nhiệm kỳ của ông Biden, cuộc khảo sát cho biết.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Phố Wall vẫn lạc quan rằng, chỉ số Dow Jones sẽ đạt mức cao mới trong năm tới.
Theo đó, 2/3 số người trả lời khảo sát cho biết, chỉ số Dow Jones rất có thể sẽ kết thúc năm 2021 ở mức 35.000 điểm. Trong khi đó, 5% số người được hỏi tin rằng chỉ số này có thể tăng lên 40.000 điểm vào cuối năm sau. 10% các nhà đầu tư cho biết, chỉ số Dow Jones sẽ giảm xuống 25.000 điểm, trong khi 18% cho răng sẽ giảm xuống 30.000 điểm.
Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 29/12 duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, VNXALL-Index chốt phiên tăng 9,84 điểm (+0,61%), lên mức 1.626,55 điểm. Thanh khoản toàn thị trường, với khối lượng giao dịch đạt 716,82 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 14.661,36 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 213 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 148 mã giảm giá.
Nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán lớn tại ngưỡng cản 1.100 điểm (Ảnh: Int) |
Tại Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), chỉ số Vn-Index đóng cửa tăng 8,16 điểm (+0,75%) và lên mức 1.099,49 điểm. Thanh khoản đạt hơn 652,64 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.985,60 tỷ đồng. Toàn sàn có 275 mã tăng, 55 mã đứng giá và 174 mã giảm giá.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 197,10 điểm, tăng 0,53 điểm (+0,27%). Thanh khoản đạt tổng cộng có 101,70 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 1.249,33 tỷ đồng. Toàn sàn có 100 mã tăng, 171 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 1,74 điểm (+0,55%) và lên mức 318,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng hơn 56,94 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là hơn 786,90 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu HNX30 kết thúc ngày giao dịch có 10 mã tăng, 9 mã đi ngang và 11 mã giảm giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 73,78 điểm, tăng 0,69 điểm (+0,94%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 47,76 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 616,53 tỷ đồng.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Vn-Index đã vượt qua phiên rung lắc và đang kiểm tra vùng cản 1.100 điểm. Mặc dù có động thái chốt lời nhưng áp lực chưa cao, đồng thời dòng tiền vẫn đang hỗ trợ nên thị trường có cơ hội vượt vùng cản 1.100 điểm và nới rộng nhịp tăng trong ngắn hạn.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ các cổ phiếu đang mạnh và chờ tín hiệu cụ thể hơn từ thị trường, tuy nhiên vẫn nên chốt lời đối với những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn tại vùng cản để tránh rủi ro bất ngờ.
Trong khi đó, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Vn-Index có thể sẽ vận động quanh 1.100 điểm trong những phiên tiếp theo. Còn CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo: "Vn-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.100 - 1.120 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây vẫn là vùng cản sẽ tạo ra áp lực rung lắc mạnh cho thị trường trong những phiên còn lại của năm 2020”.
P.L