![]() |
Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên 23/4. |
Phiên giao dịch ngày 22/4 được kỳ vọng sẽ thuận lợi để vượt ngưỡng 1.300 điểm khi các thị trường trên thế giới ủng hộ. Tuy vậy, áp lực chốt lời đã xuất hiện vào phiên chiều, lực bán tập trung vào nhóm bluechip khiến thị trường có phiên giảm mạnh kể từ đầu tháng 2.
Kết phiên, chỉ số Vn-Index giảm 40,46 điểm (tương đương 3,19%) xuống 1.227,82 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 9,44 điểm (tương đương 3,18%) đóng cửa ở mức 287,04 điểm.
Thanh khoản thị trường hạ nhiệt với giá trị khớp lệnh đạt hơn 18.594 tỷ đồng, thị trường giảm mạnh nhưng thanh khoản cũng giảm là tín hiệu tích cực. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ giảm bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị chỉ hơn 140 tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng có phiên sụt điểm mạnh trong ngày thứ Năm (22/4), sau khi có tin Tổng thống Joe Biden có kế hoạch tăng gần như gấp đôi thuế tài sản gia tăng (capital gains tax).
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,94%, còn 33.815,9 điểm; S&P 500 trượt 0,92%, còn 4.134,98 điểm; Nasdaq mất 0,94%, còn 13.818,41 điểm.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), trong phiên giao dịch sáng ngày hôm qua, thị trường đã đón nhận sự thận trọng của nhà đầu tư, tuy nhiên đến phiên chiều thì thị trường bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh và tới cuối phiên chỉ số Vn-Index đã giảm mạnh tới hơn 40 điểm.
Thêm vào đó, dòng tiền đầu tư tiêu cực với 18/19 nhóm ngành giảm điểm. Hơn nữa, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản giảm so với phiên hôm trước.
"Theo đánh giá của chúng tôi, trong dài hạn, Vn-Index vẫn đang có xu hướng đi lên, tuy nhiên trong ngắn hạn, chỉ số có thể điều chỉnh về ngưỡng 1.200 điểm", BSC nhận định.
Tương tự, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thị trường đang đối mặt với rủi ro bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn. Vn-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1200-1220 điểm trong những phiên kế tiếp.
Tuy vậy, thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật đan xen trong quá trình giảm điểm. Áp lực chốt lời của dòng tiền nội và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của HoSE-Index sẽ tạo ra ảnh hưởng không mấy tích cực lên diễn biến thị trường chung trong giai đoạn hiện tại.
Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, sau 2 tuần giao dịch lình xình trong khoảng giá 1.230-1.270 điểm mà không thể bứt phá được, thị trường đã có một phiên giảm điểm rất mạnh trong hôm qua (giảm 3,2%), là phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ phiên 8/2 (giảm 3,9%).
Với việc thị trường đóng cửa ở dưới ngưỡng 1.250 điểm nên trên khía cạnh sóng elliot thì xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) là thấp hơn so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).
Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần (23/4), thị trường có thể tiếp tục giảm điểm về các ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời trong tuần trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.225 điểm, nếu thủng ngưỡng này thì nên bán ra.
L.L