Thị trường Mỹ: 3 chỉ số chính đều giảm
Số liệu việc làm mới công bố không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, tiến độ chậm chạp của gói giải cứu tại Washington không khỏi làm cho nhà đầu tư chán nản, trong khi giá trị của cổ phiếu công nghệ được đánh giá quá cao trong bối cảnh nền kinh tế chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đang kỳ vọng vào một sự phục hồi trở lại ngưỡng cao của tuần trước (Ảnh: Int) |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 405,89 điểm tương đương 1,5% xuống 27.534,58 điểm. Trong phiên đã có lúc chỉ số tăng 234 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 59,77 điểm tương đương 1,8% xuống 3.339,19 điểm, trong ngày giao dịch đã có lúc chỉ số chạm ngưỡng 3.425,55 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 221,97 điểm tương đương 2% xuống 10.919,59 điểm, trong ngày giao dịch đã có lúc chỉ số chạm ngưỡng cao 11.299,53 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục trong ngày thứ Tư sau khi khoảng thời gian giảm điểm trước đó đẩy chỉ số Nasdaq vào trạng thái điều chỉnh, tức là chỉ số giảm khoảng 10% so với mức cao kỷ lục gần nhất. Chỉ số Dow Jones tăng 439,58 điểm tương đương 1,6% lên 27.940,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 67,12 điểm tương đương 2% lên 3.398,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tương đương 2,7% 11.141,56 điểm.
Cả ba chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm trong 4 trong 5 ngày giao dịch gần nhất, chỉ số Nasdaq đã giảm 7,27% tính từ đầu tháng 9/2020 đến nay.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Prudential Financial, ông Quincy Krosby, khẳng định: “Cho đến khi không còn sự mù mờ nào nữa, thị trường sẽ vẫn biến động mạnh”.
Nhà đầu tư đang quan tâm rất nhiều đến cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, trong đó phải kể đến Apple, Facebook, Amazon và Microsoft. Cổ phiếu Apple, Facebook và Amazon giảm từ trên 2% đến gần 3%.
Thị trường châu Á: biến động trái chiều
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 10/9 với đà tăng mạnh vào đầu phiên nhờ sự phục hồi của Phố Wall (Mỹ) trong phiên trước, sau khi chứng kiến 3 phiên đi xuống liên tiếp.
Thị trường chứng khoán châu Á chịu nhiều tác động từ biến động của Phố Wall (Ảnh: Int) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/9, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 202,93 điểm (0,88%), lên 23.235,47 điểm nhờ tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện đáng kể sau khi tiếp nhận số liệu tích cực về lượng đơn đặt hàng máy móc trong tháng 7/2020. Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số KOSPI tăng 20,67 điểm (0,87%), lên 2.396,48 điểm nhờ hoạt động mua vào cổ phiếu giá hời tăng mạnh.
Các thị trường Sydney của Australia, Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok của Thái Lan và Wellington (New Zealand) cũng đồng loạt đi lên. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Jakarta giảm sâu 5%, sau khi Indonesia tái áp đặt biện pháp giãn cách tại thủ đô Jakarta để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Tại thị trường Trung Quốc, 2 sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt giảm điểm, để tuột mất đà đi lên ở đầu phiên, do giới đầu tư lo ngại về việc các cổ phiếu bị định giá cao sau đợt bán tháo trên toàn cầu mới đây. Khép lại phiên giao dịch ngày 10/9, chỉ số Hang Seng giảm 155,39 điểm (0,64%), xuống 24.313,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite mất 19,80 điểm (0,61%), xuống 3.234,82 điểm.
Thị trường Việt Nam: chưa thấy điểm rủi ro?
Phiên giao dịch ngày 10/9, sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 895 điểm ngay từ khi mở cửa. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực bán dâng cao đã khiến VN-Index bất ngờ quay đầu giảm nhẹ.
Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, tâm lý thị trường trở nên thận trọng (Ảnh: Int) |
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 125,82 điểm, giảm 0,11 điểm (-0,09%). Thanh khoản đạt tổng cộng hơn 40,58 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 445,92 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng, 205 mã đứng giá và 61 mã giảm giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa giảm 0,19 điểm (-0,08%) và xuống mức 232,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng hơn 15,39 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là hơn 226,07 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu HNX30 kết thúc ngày giao dịch có 10 mã tăng, 12 mã đi ngang và 8 mã giảm giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index đóng cửa tại mức 59,03 điểm, tăng 0,19 điểm (+0,33%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17,29 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 195,14 tỷ đồng.
Tại sàn TP.Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0,50 điểm (-0,06%) và xuống mức 888,82 điểm. Thanh khoản đạt hơn 385,18 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 11.409,45 tỷ đồng. Toàn sàn có 221 mã tăng, 72 mã đứng giá và 179 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 tăng 1,43 điểm (+0,17%) và ở mức 825,85 điểm. Thanh khoản đạt hơn 146,18 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 7.720,05 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 11 mã tăng, 10 mã đi ngang và 9 mã giảm giá.
Theo Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), trong ngắn hạn, tâm lý thị trường trở nên thận trọng. Bên cạnh đó, ngưỡng 900 điểm là mức kháng cự quan trọng trong ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo để xác định xu hướng.
Còn CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: "Trong giai đoạn tích lũy của thị trường, chúng tôi vẫn chưa nhận thấy điểm rủi ro nào xuất hiện. Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang nghỉ ngơi, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn mặc sức tung hoành. Vì vậy, trong xu thế chung, nhà đầu tư có thể chia tỷ lệ tài khoản của mình hợp lý để xuôi theo dòng chảy của tình hình hiện tại".
P.L