Thị trường Mỹ: Mất đà
Gặp áp lực bán tháo vào cuối phiên, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa không mấy tích cực khi chỉ số S&P 500 tăng lên đỉnh mới giữa phiên 3/12 nhưng đóng cửa giảm 2,3 điểm còn 3.667 điểm. Trong hai ngày 1 và 2/12, S&P 500 đều kết phiên ở đỉnh lịch sử mới.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite lại ghi nhận tăng 0,2% lên 12.377 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 86 điểm, tương đương 0,3%, và đóng cửa ở 29.970 điểm.
Nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York. (Ảnh: NYSE) |
Theo CNBC, các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt đánh mất đà tăng trong giờ giao dịch cuối cùng của phiên sau khi hãng tin Dow Jones cho biết tập đoàn dược phẩm Pfizer dự tính sẽ giảm 50% số liều vắc xin Covid-19 xuất xưởng trong năm nay so với kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân là những khó khăn về chuỗi cung ứng khiến công ty khó tìm kiếm nguyên liệu thô cho giai đoạn sản xuất đầu tiên.
Tuy nhiên, đợt bán tháo cuối phiên của nhà đầu tư diễn ra không mạnh do Pfizer và BioNTech dự tính sẽ cung cấp đủ 1,3 liều vắc xin trong năm 2021 và việc thiếu hụt 50 triệu liều trong năm nay sẽ được bù đắp lại khi dây chuyền sản xuất vận hành ổn định. Giá cổ phiếu Pfizer kết phiên 3/12 giảm 1,7%.
Theo CNBC, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng thị trường đang quá lạc quan và tin tưởng vào quá trình phân phối vắc xin trong 12 tháng tới. Việc các chỉ số chứng khoán lập đỉnh trong tuần này dường như dựa trên giả định rằng việc triển khai vắc xin sẽ diễn ra hoàn toàn suôn sẻ.
Hôm 2/12, Mỹ thống kê hơn 100.000 người phải nằm viện vì nhiễm Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến trong ngày 4/12 (theo giờ Mỹ), Bộ Lao động sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 11. Theo ước tính của Dow Jones, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 440.000 việc làm trong tháng qua, thấp hơn con số 638.000 của tháng 10.
Thị trường Việt Nam: Áp lực điều chỉnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa tiếp tục có phiên khởi sắc trong ngày 3/12 khi chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 5,48 điểm (+0,54%) lên mức 1.019,80 điểm. Thanh khoản đạt hơn 518,90 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 9.882,55 tỷ đồng. Toàn sàn có 267 mã tăng, 84 mã đứng giá và 146 mã giảm giá.
Vn-Index có thể điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần. |
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 151,99 điểm, tăng 1,19 điểm (+0,79%). Thanh khoản đạt tổng cộng 55,25 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 789,75 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng, 62 mã giảm và 68 mã đứng giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 69,02 điểm, tăng 0,42 điểm (+0,61%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 32,53 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 487,18 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng không thực sự mạnh và thanh khoản khớp lệnh cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là tương đối tốt nhưng áp lực bán ra cũng không hề yếu.
Trên biểu đồ kỹ thuật, Vn-Index hiện kết phiên ngay dưới ngưỡng 1.020 điểm và phía trước sẽ vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.020-1.030 điểm (đỉnh tháng 10/2018 và đỉnh tháng 11/2019).
Áp lực chốt lời sẽ trở nên mạnh hơn trong phiên tiếp theo và khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.000 điểm và xa hơn quanh 985 điểm (MA20).
Dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay (4/12), Vn-Index có thể sẽ điều chỉnh trước áp lực chốt lời trong vùng kháng cự 1.020-1.030 điểm.
Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị có thể bán ra chốt lời trong vùng kháng cự 1.020-1.030 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm (nếu có) để bắt đáy thăm dò.
N.L