![]() |
Nhiều công ty chứng khoán thực hiện huy động vốn từ chính khách hàng dưới hình thức hợp tác đầu tư. |
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 4 vừa qua, cơ quan này đã nhận được một số câu hỏi từ phóng viên, cơ quan báo chí, người dân, doanh nghiệp về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; trong đó có các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.
Cụ thể, thị trường chứng khoán vừa có giai đoạn thăng hoa với sự bứt phá mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Đóng góp vào diễn biến tích cực của thị trường thời gian qua không thể không nhắc tới vai trò của dòng tiền margin (cho vay ký quỹ).
Dư nợ cho vay trên toàn thị trường chứng khoán tính đến cuối quý I/2021 đã đạt khoảng 110.000 tỷ đồng (gần 4,8 tỷ USD) – là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay không quá 2 lần vốn chủ sở hữu và trên thực tế có không ít đơn vị đã gần tới ngưỡng giới hạn. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu cho vay mà vẫn đảm bảo đúng quy định, các công ty chứng khoán buộc phải tiến hành chủ động gia tăng vốn.
Đây là nhu cầu tất yếu nhưng bên cạnh việc phát hành cổ phiếu nhằm gia tăng lượng vốn cần thiết, nhiều công ty chứng khoán đã có động thái "biến tướng" huy động, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi…
Sản phẩm này giúp khách hàng có được lợi suất tốt hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, trong khi thời hạn linh hoạt hơn và có thể sẵn sàng giao dịch chứng khoán khi cần thiết mà không cần phải chuyển qua lại giữa các tài khoản ngân hàng.
Đối với các công ty chứng khoán, hình thức này giúp họ có được nguồn vốn giá rẻ nhanh chóng để cung cấp cho hoạt động kinh doanh (phần lớn cho hoạt động margin) mà không cần phải phát hành trái phiếu hay tăng vốn.
Tuy được nhận định là mang lại lợi ích cho cả 2 bên, nhưng hình thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi công ty chứng khoán không phải là đơn vị có chức năng huy động tiền từ khách hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh kiểm tra và yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh rủi ro phát sinh.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB (MBS), Công ty chứng khoán VNDirect (VNDirect) báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh trên.
Đồng thời, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu MBS dừng thực hiện dịch vụ. Đối với VNDirect, Bộ Tài chính sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện việc huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân. Quỹ tín dụng nhân dân cũng bị hạn chế, chỉ được phép nhận tiền gửi của thành viên hoặc từ các đối tượng theo quy định của NHNN. Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm: Môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán. Đồng thời, phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của mình, không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại hay các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật... |
L.L