Cụ thể, CTCP Chứng khoán VPS dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên với 19,92% thị phần, tăng 0,91% với quý trước đó. Hai cái tên đứng sau là Chứng khoán SSI với 10,59% thị phần, và Chứng khoán Vndirect với 7,21% thị phần.
Tuy nhiên báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của 3 doanh nghiệp này lại đem lại khá nhiều bất ngờ.
Lũy kế 9 tháng, SSI đạt 1.780 tỷ đồng, dẫn đầu ngành chứng khoán. |
Mặc dù dẫn đầu thị phần môi giới nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 vừa được công bố, VPS báo lãi ròng 266 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Chênh lệch lãi - lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của VPS tiếp tục ở mức âm. Môi giới là mảng kinh doanh tích cực nhất của VPS khi chênh lệch lãi - lỗ đạt 210 tỷ đồng trong quý III/2023, gấp đôi cùng kỳ. Doanh thu cho vay margin cũng tăng khá tốt nhưng chi phí lãi vay còn tăng mạnh hơn.
Tính đến cuối tháng 9/2023, nợ vay ngắn hạn của VPS lên đến 22.200 tỷ đồng, gấp đôi hồi đầu năm và gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, SSI báo lãi ròng quý III đạt 710 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SSI thực hiện được 87% chỉ tiêu đề ra khi đạt 1.780 tỷ đồng, dẫn đầu ngành chứng khoán, cao hơn mức 1.690 tỷ đồng của Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Tổng doanh thu hoạt động quý III đạt 1.941 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh cốt lõi đều ghi nhận tăng trưởng.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 764,6 tỷ đồng, tăng hơn 73%. Lỗ tài sản FVTPL giảm nhẹ 3% còn 162 tỷ đồng. Trừ đi chi phí tự doanh, SSI ghi lãi tự doanh 590 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ.
Lãi từ cho vay và phải thu đạt 431 tỷ đồng, tăng 6%. Dư nợ cho vay của công ty tới cuối tháng 9/2023 ở mức 15.269 tỷ đồng.
Số dư cho vay ký quỹ chiếm 14.713 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm và tăng 12% so với cuối quý 2. Như vậy, SSI giải ngân thêm 1.609 tỷ đồng cho vay ký quỹ trong quý 3.
Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán xếp thứ hai trong cơ cấu với hơn 535 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) quý vừa qua đạt 113 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Tính đến thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của SSI đạt 55.282 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, danh mục FVTPL và các khoản cho vay chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của công ty với số dư lần lượt 29.591 tỷ đồng và 14.713 tỷ đồng.
Ở danh mục FVTPL, trái phiếu chưa niêm yết (10.530 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (16.022 tỷ đồng) tiếp tục chiếm tỷ trọng 90%. Hai mục này giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản đầu tư trái phiếu niêm yết của công ty tăng hơn 60% so với đầu năm, lên 1.290 tỷ đồng.
Còn Vndirect ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến từ 93,4 tỷ đồng trong quý III/2022 lên 636 tỷ đồng trong quý vừa qua, tương đương mức tăng gấp 6,8 lần.
Theo giải trình từ phía Vndirect, mức tăng lợi nhuận đột biến trên là nhờ tổng doanh thu hoạt động tăng 22% (trong đó doanh thu tự doanh tăng 9% và doanh thu môi giới chứng khoán tăng 19%); trong khi đó, tổng chi phí hoạt động lại giảm tới 41% nhờ giảm lỗ từ hoạt động tự doanh, song song với đó, chi phí quản lý giảm 23%.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt công ty chứng khoán đã báo lãi lớn trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023. Cùng với đó, cổ phiếu nhóm này cũng tăng mạnh trở lại.
Mặc dù báo lãi lớn nhưng triển vọng của các công ty chứng khoán được đánh giá không còn tươi sáng như trong quý III và 9 tháng đầu năm. Thị trường chứng khoán gần đây ảm đạm, thanh khoản giảm mạnh và giá nhiều cổ phiếu giảm sâu. Chỉ số VN-Index lao dốc, có lúc xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm.
Không ít phiên giao dịch, thị trường chứng khoán ghi nhận dòng tiền mất hút. Sự thận trọng gia tăng khi thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, giá dầu tăng mạnh, lạm phát tăng cao trở lại và kinh tế trong nước chưa khởi sắc như kỳ vọng.
Châu Anh