Hiện, vốn nhà nước đang “rải rác” các cơ quan chủ quản khác nhau, lại thường bị đánh giá theo “giá trị còn lại”, mà không theo nguyên tắc thị trường. Nếu ra đời, “siêu ủy ban” có quản lý, giảm sát được quy mô số lượng lớn này không, cả yêu cầu nâng cao giá trị vốn tại đây?
“Quản” vốn nhà nước nhiều chục tỷ USD
Dự kiến, “siêu ủy ban” sẽ quản lý 22 tập đoàn và Tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lương thực.
Các tập đoàn này được quản lý bởi 5 bộ là Bộ Công Thương, Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính và Thông tin & Truyền thông. Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông – Vận tải với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Trong danh sách này có đến 15 tập đoàn và Tổng công ty mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điển hình là Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tính đến ngày 31/12/2016, EVN có vốn chủ sở hữu là 431.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 770.000 tỷ đồng, còn PVN có 205.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đạt 692.000 tỷ đồng – đây là hai doanh nghiệp nhà nước lớn nhất hiện nay.
Ngoài ra, “siêu ủy ban” này còn quản lý thêm các doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương như: Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Bộ Giao thông Vận tải có 6 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM). Trong thời gian tới, các tập đoàn này đều không tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ, hoặc có cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ tối thiểu trên 51%.
5 doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC của Bộ Thông tin Truyền thông cũng thuộc danh sách quản lý của “siêu ủy ban”. MobiFone, VNPT và VTC cũng sẽ được cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ.
Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.
![]() |
Một “siêu ủy ban” nhằm quản lý vốn nhà nước tại các “siêu tổng công ty” với tổng quy mô vốn và tài sản lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng sẽ được thành lập năm 2018.
Quản những gì?
Nhìn vào danh sách các tập đoàn, Tổng công ty thuộc quản lý của “siêu ủy ban”, có thể thấy Chính phủ ưu tiên kiểm soát lĩnh vực năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất nông nghiệp. Đây đều là các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước_tại doanh nghiệp (Ủy ban) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh n hiệp, ngăn chặn các trường hợp nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ…
Được biết, khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản và chuyển sang cơ quan chuyên trách.
Các doanh nghiệp mà “siêu ủy ban” này quản lý hầu hết là các tập đoàn và Tổng công ty “khủng”, với nhiều công ty con và kèm theo đó là vốn nhà nước đang trải rộng trên toàn quốc. Thực tế có những trường hợp, sau khi được định vị đúng, tái cơ cấu thì giá trị đó lớn lên gấp bội, chứ không hẳn chỉ là phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty.
Trước đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập – như tên gọi – để quản lý và kinh doanh tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Sau hơn 10 năm, 15.000 tỷ đồng vốn nhà nước mà SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay đã được nhân lên gấp gần 10 lần, đạt con số 151.900 tỷ đồng, SCIC cũng đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp.
Tháng 6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC. Nhưng do SCIC là doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, nên suốt nhiều năm qua, các cơ quan chức năng vẫn tranh cãi về thẩm quyền và quy chế hoạt động của tổng công ty đặc biệt này.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban Nghị định 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, quy định các DN phải thực hiện chuyển giao vốn nhà nước về SCIC sau cổ phần hóa.
Theo đó, SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý. SCIC cũng được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật._
Do vậy, dường như đang xuất hiện nguy cơ phần việc của “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước tại các DN, đồng thời quản lý luôn cả SCIC, sẽ trùng lặp và “dẫm chân” lên chính hoạt động của SCIC.
Đây là nguy cơ thực tế. Vì như trên đã nói, thẩm quyền, hoạt động, quy chế… của SCIC thậm chí đang là tranh cãi giữa các cơ quan chức năng, các bộ quản lý chuyên ngành, các chuyên gia.
Ngoại trừ chuyện tiếp nhận nhiều hơn số doanh nghiệp cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước, thì bản thân SCIC vẫn còn… chưa tiếp nhận được vốn, chưa khai thác được gì ngoài thoái vốn tại khá nhiều doanh nghiệp khác.
Nay, SCIC tiếp tục chịu quản lý của một “siêu ủy ban” nữa, thì không có gì hứa hẹn kế hoạch thoái vốn nhà nước do doanh nghiệp này thực hiện sẽ theo kịp yêu cầu.
Linh Đan