Thao túng giá chứng khoán là việc các cá nhân, tổ chức thực hiện việc mua/bán chứng khoán để tạo cung/cầu giả tạo nhằm điều chỉnh giá chứng khoán theo mục đích của mình và thu lợi bất chính.
Mới đây, ngày 4/12, Cơ quan An ninh điều tra – Công an Tp.Hà Nội – đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang (36 tuổi – Hà Nội) – nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á, chi nhánh Hà Nội, để điều tra về hành vi thao túng giá chứng khoán, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với Nguyễn Vân Giang.
Đây là vụ việc thao túng giá cổ phiếu hiếm hoi bị khởi tố theo Bộ Luật Hình sự. Cơ quan điều tra hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
6 năm, 2 trường hợp bị khởi tố
Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2011 – 12/2016, Giang đã sử dụng chứng minh nhân dân của một số người thân để thành lập nhiều công ty, do Giang điều hành, và mở nhiều tài khoản chứng khoán, tiến hành giao dịch chéo cổ phiếu CDO của CTCP tư vấn và phát triển đô thị.
Qua đó, tạo thanh khoản giả cho cổ phiếu này, đẩy giá cổ phiếu CDO lên cao, thu hút nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu này để bán ra kiếm lời. Hành vi này của Giang đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Trước đó 6 năm, vào năm 2011, ông Lê Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Viễn Đông, đã bị khởi tố với tội danh thao túng giá chứng khoán DVD của công ty này, và lĩnh án 4 năm tù.
Đáng chú ý, ông Dũng và 3 đồng phạm khác chính là những người đầu tiên bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán, kể từ khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010.
Trong thời gian này, giá cổ phiếu DVD đang từ trên 100.000 đồng/cổ phiếu giảm xuống còn 3.500 đồng/cổ phiếu trước khi bị hủy niêm yết.
Vừa qua, UBCKNN đã chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra khởi tố một vụ thao túng giá cổ phiếu của công ty Cổ phần Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản miền trung (mã MTM). Tuy nhiên, hàng trăm nhà đầu tư lớn nhỏ đã bị thiệt hại nặng nề khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Theo quy định, khi xem xét các khoản thu trái pháp luật, nếu giá trị khoản thu hoặc mức độ gây thiệt hại đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, UBCKNN sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
“Làm giá” cổ phiếu, xử nhẹ nên…nhờn?
Chuyện… bình thường?
Tuy nhiên, báo cáo định kỳ của UBCKNN cho thấy số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh được có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ.
Việc chờ đợi UBCKNN gửi hồ sơ mới điều tra, nhằm xử lý hình sự các trường hợp thao túng làm giá cổ phiếu đã đặt ra câu hỏi: Cơ quan công an có quá “cô đơn” và thụ động trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực này?
Trên thực tế, tình trạng “lái giá” cổ phiếu rất phổ biến trên thị trường chứng khoán, gây nhức nhối, thậm chí còn tạo ra một định lý trên thị trường “giá cổ phiếu chỉ tăng khi được làm giá”.
Gần đây nhất, UBCKNN đã quyết định xử phạt 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Trọng Đức đã sử dựng 30 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu NHP.
Cụ thể, từ ngày 01/08/2016 đến ngày 25/01/2017, ông Đức đã sử dụng 30 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã NHP).
Trong khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu NHP đã lao dốc, giảm mạnh 85,63% từ mức 17.400 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 29/7/2016) xuống còn 2.500 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 25/1/2017).
Trước đó, UBCKNN cũng xử phạt 550 triệu đồng đối với ông Phan Sỹ Hải (Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Hà Nội), do đã sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu VMD của công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex.
Một trường hợp “lái giá” chứng khoán khác bị phát hiện và xử phạt gần đây là vụ thao túng giá cổ phiếu HNG của một nhà đầu tư tên Trần Thị Minh Phượng (Gia Lai). Theo quyết định của UBCKNN, bà Phượng bị xử lý hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng.
Cụ thể, từ ngày 20/7/2015 đến ngày 1/4/2016, bà Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai nhằm tạo cung – cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG…
Không chỉ có nhà đầu tư bên ngoài, trong đội ngũ “lái tàu” còn xuất hiện tên lãnh đạo các doanh nghiệp. Điển hình như trường hợp của ông Trần Thanh Hữu – thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Cmistone (CMI) – đã bị phạt 705 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu CMI trong năm 2016.
Cần nói rõ, việc ít xử phạt và ít hình sự hoá hành vi thao túng chứng khoán cũng là một nguyên nhân khuyến khích các cá nhân vi phạm quy định này. Nhưng bao giờ UBCKNN “chịu” phối hợp “nhiều hơn” với cơ quan Công an, để ngăn chặn hiệu quả hơn việc thao túng chứng khoán, thì đến giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Linh Đan