Ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) Việt đang gia nhập thị trường trong mảng công nghệ phần mềm quản lý bán hàng, ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mltech Soft, cho biết điều mong muốn là được liên kết với nhiều DN nhỏ và vừa nhằm giúp chuyển đổi số kênh bán hàng khi mà dữ liệu (data) của họ còn rời rạc, thiếu đồng bộ thông tin.
Chờ tối ưu giải pháp bán hàng
Theo ông Hoàng, Mltech Soft đang hướng đến tối ưu giải pháp bán hàng cho các DN nhỏ khi muốn mở rộng kênh phân phối. Chẳng hạn, với dữ liệu và hệ thống kết nối mà công ty đang có là 40.000 - 50.000 cửa hàng tạp hoá trong cả nước thì hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các DN mới gia nhập thị trường trong mảng thực phẩm, đặc sản địa phương vốn đang gặp khó ở khâu bán hàng.
Các DN nhỏ mới gia nhập thị trường cần tối ưu giải pháp bán hàng và áp dụng các công nghệ cần thiết để có thể tìm được “điểm bùng phát”. |
“Đơn cử như với một sản phẩm mới về thực phẩm hữu cơ muốn đi ra thị trường thì DN phải tốn thời gian thiết lập (set up) kênh phân phối rất nhiều, rất vất vả. Trong khi đó, với công nghệ phần mềm quản lý bán hàng của chúng tôi, nếu DN sử dụng sẽ có được hệ thống để quản lý toàn bộ kênh phân phối, từ đó sẽ giúp DN tối ưu trong việc nhanh chóng đưa hàng ra thị trường”, ông Hoàng chia sẻ.
Trao đổi với VnBusiness bên lề sự kiện Vietnam Startup Day 2022 (sự kiện thường niên lớn nhất kết nối các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và khu vực) tổ chức ở Tp.HCM ngày 25/8, vị giám đốc của Mltech Soft cho rằng với mảng giải pháp bán hàng cho DN thời gian qua đã có khá nhiều công ty gia nhập thị trường, tuy nhiên chủ yếu là tập trung vào bán hàng trực tuyến (online).
Còn với công ty Mltech Soft, ông Hoàng cho biết vẫn muốn tập trung nhiều hơn dành cho các DN bán hàng truyền thống, ngoại tuyến (offline), đặc biệt là khai thác các cửa hàng tạp hoá. Bởi lẽ, các cửa hàng tạp hoá và các chợ trong kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm tới 80% doanh thu ngành bán lẻ, trong khi vẫn còn thiếu công nghệ để giải quyết chuyện bán hàng cho các DN.
Đơn giản là vì kênh tạp hoá vẫn khá phức tạp để xử lý do có nhiều nhãn hàng tham gia, có nhà phân phối cấp 1, cấp 2, các cửa hàng tạp hoá, người tiêu dùng… Cho nên, để tăng tính hiệu quả khi các DN nhỏ đưa hàng vào kênh bán lẻ truyền thống này rất cần đến nền tảng công nghệ quản lý bán hàng.
Có thể nói, những chia sẻ của vị giám đốc nêu trên cũng phần nào cho thấy yếu tố mong muốn liên kết để “thúc đẩy” theo chiều hướng đi lên thông qua công nghệ của các công ty khởi nghiệp (startup), DN nhỏ mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu rằng các công ty startup, các DN nhỏ có đang đứng trên “tipping point” (điểm bùng phát) của chính mình?
Vẫn còn hiếm áp dụng các công nghệ cần thiết
Giới chuyên gia cho rằng trong hệ sinh thái của các startup, các DN nhỏ mới gia nhập thị trường, chính các nhà sáng lập, giám đốc của các công ty này là “người bán hàng” - điểm mấu chốt để có thể tạo nên “đợt bùng phát” thực thụ cho DN. Bên cạnh đó, nhân tố kết dính chính là chi tiết quan trọng từ nội tại DN, giúp tự thân lan truyền mạnh mẽ mà không cần sự tác động của những yếu tố bên ngoài.
Hơn nữa, khi mới gia nhập thị trường, yêu cầu đầu tiên của các DN nhỏ là sản phẩm, dịch vụ phải có chất lượng tốt, đó chính là yếu tố kết dính giúp thu hút khách hàng tìm mua, xây dựng lòng tin và giữ chân khách hàng dài lâu.
Cần để ý thêm, trong số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay đạt 133,7 nghìn DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 (vượt mốc 105,4 nghìn doanh nghiệp của năm 2021).
Tuy nhiên, số DN đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là DN có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) với 80,1 nghìn DN, chiếm 89,6% tổng số DN đăng ký thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, sự gia tăng số lượng các DN có quy mô vốn nhỏ, một phần để tránh và giảm thiểu mức rủi ro thiệt hại do những hệ lụy từ dịch Covid-19 và từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Mặt khác, việc huy động vốn vào thời điểm này là rất khó khăn.
Với sự gia tăng số lượng các DN có quy mô vốn nhỏ như vậy, để họ muốn phát triển mạnh mẽ trong thời điểm này thì phải tìm ra “điểm bùng phát” của chính mình.
Như chia sẻ của vị giám đốc Mltech Soft, có nhiều DN nhỏ mới gia nhập thị trường, có những sản phẩm rất tốt, rất chất lượng, nhưng khi muốn đưa ra thị trường thì lại không biết cách bán hàng. Như vậy có thể hiểu là họ chưa tìm ra được “điểm bùng phát”.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy “điểm bùng phát” cho các DN nhỏ, theo giới chuyên gia, vẫn rất cần chính bản thân họ phải thể hiện tiềm năng đổi mới sáng tạo. Điều này có thể tham khảo dữ liệu từ Khảo sát DN của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các DN nhỏ và vừa của Việt Nam tương đối sáng tạo về sản phẩm và quy trình, bao gồm cả việc áp dụng tự động hóa. Tuy vậy, chi tiêu hạn chế cho R&D (nghiên cứu và phát triển) ở các DN nhỏ và vừa của Việt Nam lại thể hiện rằng hầu hết các đổi mới đều là “đổi mới tiết kiệm” (frugal innovation), chẳng hạn như thực hiện các sửa đổi nhỏ đối với các sản phẩm hiện tại để dễ tiếp cận hơn với khách hàng có thu nhập thấp.
Còn đối với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), việc sử dụng trang web công ty của các DN nhỏ và vừa Việt Nam tương ứng mức trung bình của ASEAN, trong khi việc áp dụng các chương trình phần mềm như Hoạch định nguồn lực DN (Enterprise Resource Planning) hoặc Quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management) - những phần mềm cần thiết nếu các công ty muốn xuất khẩu hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn còn hiếm.
Thế Vinh