Chiều ngày 15/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống.
Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh. |
Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho hay gần đây, chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến NetZero. Theo đó, toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
"Chúng ta thấy, các hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác… Ở Việt Nam vấn đề đó đang khá chậm", ông Sơn đánh giá.
Quay lại câu hỏi phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó? Ông Sơn nhìn nhận vừa rồi, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn.
"Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục", vị chuyên gia đề xuất.
Chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng vừa qua, giá năng lượng của Việt Nam ít nhiều đang được trợ giá. Đơn cử, Nhà máy Ô Môn nhập khẩu dầu, khí phải bằng giá quốc tế. Việc mua sắm cho các nhà máy đó cũng là giá quốc tế nên chẳng có lý do gì giá năng lượng của chúng ta lại rẻ hơn thế giới.
Vị chuyên gia nhìn nhận có chăng chỉ có 2-3 dạng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) vì nguồn nguyên liệu của chúng ta rẻ hơn, còn nhiệt điện than ngày xưa do than chúng ta tự khai thác được thì có thể cung cấp cho EVN rẻ hơn. Nhưng bây giờ, ngay cả TKV cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường.
"Giá của chúng ta hiện nay là đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ", ông nêu quan điểm.
Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường, tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi họ phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện.
Tới đây, ông Thiên cho rằng, ngành điện phải đương đầu với nhu cầu tăng cao không phải chỉ do thời tiết. Quy hoạch Điện VIII như là một cách xử lý vấn đề này, đang được triển khai ráo riết và hành động của Chính phủ cũng mang tính đốc thúc cao như Thủ tướng đi khảo sát ở Cần Thơ, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn... "Nếu không đốc thúc thì nguy cơ vỡ trận nguồn cung", ông Thiên nói.
Bên cạnh đó, vấn đề điện năng lượng tái tạo đang được triển khai rất tích cực trong những năm vừa qua, nhưng vẫn có một số vướng mắc. Tới đây, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị sẽ phải làm nhiều việc khác như phân phối nguồn điện, đồng thời Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa.
Thy Lê