Thống kê cho thấy, Việt Nam có hơn 2.300 con sông dài hơn 10km, trong đó có những con sông lớn chảy liên tỉnh, như: sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đà… Ngoài ra, Việt Nam có 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi đang vận hành. Đây chính là điều kiện tự nhiên lý tưởng để Việt Nam nói chung, các HTX nói riêng hình thành và phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên sông, hồ.
Vướng mắc vấn đề pháp lý
HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông (Đăk Lăk) đang tận dụng lòng hồ thủy điện Srêpok 3 với mặt nước hơn 3.500 ha để phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp - sinh thái như: câu cá, du thuyền...
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của HTX, cho biết nhiều thành viên HTX băn khoăn là khu vực bến thuyền của HTX nằm trong hành lang bảo vệ đê điều hoặc hành lang thoát lũ thì có phải xin văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền không?
Nếu như HTX làm bến thuyền trên hồ thủy lợi mà hồ đó được quản lý bởi một doanh nghiệp thủy lợi thì HTX có phải có được chấp thuận của bên doanh nghiệp thủy lợi về việc cho HTX làm bến hay không? Hoặc HTX làm bến trên sông thì có cần phải xin phép và được sự chấp thuận của đơn vị quản lý đường sông đó không?
Theo chia sẻ của đại diện các HTX du lịch trên sông nước, du lịch ở lĩnh vực này có nhiều tiềm năng và phù hợp với thế mạnh của nhiều địa phương. Tuy nhiên, dù hoạt động ở quy mô lớn hay nhỏ thì mọi hoạt động của HTX đều phải nằm trong vòng pháp luật. Bởi khi hoạt động du lịch sông nước, nhiều khi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của thành viên, người lao động của HTX và khách du lịch. Lúc đó, HTX không những phải đứng trước nguy cơ đóng cửa mà còn phải chịu hậu quả vì bị xử lý hình sự.
“Đây là điều không hề mong muốn đối với các HTX, các chủ tàu khi làm du lịch sông nước. Trong khi vi phạm giao thông đường bộ có thể xử lý bằng luật dân sự”, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc điều hành HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản bày tỏ.
Để tránh khỏi những rủi ro không mong muốn, việc tuân thủ các quy định pháp luật ngay khi thành lập là điều các HTX luôn tính tới. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng có thể đủ điều kiện để hoàn thiện các yêu cầu về thủ tục hồ sơ, và cũng không biết đầu tư gì trước, đầu tư gì sau để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hợp lý.
Là đơn vị đang khai thác hiệu quả mô hình này, ông Nguyễn Hải Thọ, CEO của Gió Lào Eco Lodge - Đảo chè Thanh Chương (Nghệ An), cho biết muốn đi vào hoạt động dịch vụ du lịch trên sông, HTX phải đáp ứng được thủ tục cấp giấy phép bến thuyền thủy nội địa. Bởi khi chở khách tham quan, buộc HTX phải đầu tư du thuyền, thuyền chèo bằng tay, thuyền thúng, kayak.
Du lịch trên sông hồ phải đáp ứng nhiều yêu cầu nhằm bảo đảm sự an toàn. |
Có điều lưu ý là riêng kayak đang được quy định là du lịch mạo hiểm nên HTX cũng phải có giấy phép đăng ký riêng về pháp nhân được hoạt động. Còn HTX có dịch vụ chèo thuyền thúng, thuyền nan, thuyền ba lá thì không phải đăng ký giống như thuyền kayak nhưng cũng buộc HTX phải thực hiện đăng ký cấp phép bến thủy nội địa thì mới được hoạt động đón khách, tàu thuyền mới được xuất bến.
Muốn vậy, khi HTX có farmstay, HTX cần tiến hành khảo sát địa điểm có đủ điều kiện để lập một bến thủy nội địa bảo đảm an toàn về luồng lạch, độ sâu của nước, độ xoáy của sóng… để thuyền hạ thủy được hay không.
Nếu đáp ứng được, HTX có thể làm thủ tục hồ sơ gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện lên Sở giao thông vận tải hoặc gửi về bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ gồm đơn xin cấp phép hoạt động bến thủy, thiết kế/báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, biên bản nghiệm thu công trình sau xây dựng, sơ đồ vùng nước trước bến thủy, giấy chứng nhận của đơn vị quản lý hành lang sông hồ...
Vấn đề quan tâm ở đây là HTX nên xin cấp phép bến thủy nội địa trước rồi khi được phép mới đầu tư thuyền? Theo các chuyên gia, việc xin giấy phép nên thực hiện trước, còn nếu làm ngược lại sẽ xảy ra tình huống nếu HTX không đủ điều kiện cấp phép bến thì sẽ rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” vì chi phí đầu tư các loại thuyền là rất lớn, có thể lên đến 100 triệu đồng/thuyền máy, chưa kể các du thuyền.
Đặc biệt, khi hoạt động, tàu thuyền của HTX có thể mua cũ hoặc mới nhưng cần tuân thủ các yêu cầu về các thiết bị neo đậu phương tiện bảo đảm theo thiết kế, bảo đảm theo quy tắc báo hiệu của đường thủy nội địa, có các thiết bị phòng cháy chữa cháy bảo đảm về chất lượng và số lượng theo quy định pháp luật. Thuyền muốn hạ thủy cũng phải thực hiện đăng ký đăng kiểm, xin cấp biển theo quy định pháp luật. Người lái cũng phải có chuyên môn, có bằng lái mới được tham gia hoạt động.
Trong suốt quá trình hoạt động, HTX sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Ngay cả khi không hoạt động nữa, HTX cũng phải thông báo cho cơ quan quản lý để họ biết và không phải thực hiện công tác quản lý nữa. Và nếu chẳng may có gì bất trắc xảy ra, HTX cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới.
Băn khoăn về ý thức của du khách
Ngoài vấn đề cấp phép và quy trình đầu tư, nhiều HTX băn khoăn về ý thức của du khách trong việc tuân thủ quy định mặc áo phao để bảo đảm an toàn. Ông Lý Nhân Phú, Giám đốc HTX Du lịch Nhân Phú (Gia Lai), cho biết thực tế du khách nước ngoài có ý thức cao hơn khách nội địa. Bởi nhiều khách nội địa khi lên du thuyền dù đã được thành viên HTX nhắc nhiều lần về việc mặc áo phao nhưng vẫn quyết định không mặc hoặc có thái độ không hòa nhã. Trong khi, nếu khách không mặc áo phao, cơ quan quản lý đường thủy theo dõi và phát hiện, HTX sẽ bị phạt theo quy định pháp luật.
“Nếu khách không mặc áo phao mà thuyền vẫn xuất bến thì lỗi sẽ thuộc về HTX hoặc chủ tàu, người lái tàu”, ông Phú thông tin.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Du lịch Xã hội, cho rằng việc giải thích cho khách hiểu là điều quan trọng. Vì mặc áo phao là quy định bắt buộc và liên quan đến tính mạng của khách nên nếu khách không mặc áo phao, HTX không nên cho thuyền xuất bến.
Đáng chú ý, quy định pháp luật của Việt Nam là nếu khách không mặc áo phao, mọi quy định pháp luật đều “đổ” lên đầu chủ thuyền, lái tàu. Nhưng ở nước ngoài, ngoài phạt chủ thuyền, lái tàu thì khách du lịch cũng phải chịu trách nhiệm.
Về vấn đề này, CEO Gió Lào Eco Lodge - Đảo chè Thanh Chương Nguyễn Hải Thọ chia sẻ: các đơn vị kinh doanh du lịch ở nước ngoài đã làm rất rõ các quy định và phổ biến rộng rãi, dán trên tàu, thuyền một cách rõ ràng nói về vấn đề du khách không được làm như: không được nô đùa trên thuyền, không được ra sát mạn thuyền, không được cởi bỏ áo phao, phải mặc áo phao ngay khi lên thuyền… Bên cạnh đó, trên các thuyền du lịch đều được lắp camera theo dõi dải hành trình nên các chủ đầu tư rất thuận lợi trong vấn để giải thích với khách và giải quyết trước pháp luật khi chẳng may xảy ra sự cố.
“Nếu chưa có camera trên thuyền, HTX chỉ có một cách là ghi âm lại cuộc giao tiếp giữa thành viên và du khách hoặc có hình ảnh quay lại để chẳng may có sự cố, HTX có bằng chứng để miễn trách nhiệm”, ông Thọ nói.
Huyền Trang