Việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định cho thấy một trong những yếu tố quan trọng trong xuất khẩu là bảo đảm chất lượng nông sản, hàng hóa ngay từ vùng nguyên liệu.
Chất lượng là vấn đề sống còn
Là HTX liên kết với 2 doanh nghiệp để tiêu thụ gạo trên diện tích 54ha và liên kết với một số siêu thị tiêu thụ rau trên diện tích gần 41ha, ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Trung An (Thái Bình), cho biết muốn xuất khẩu thuận lợi thông qua doanh nghiệp, HTX buộc phải có được vùng sản xuất bền vững, sản lượng và chất lượng cũng phải đáp ứng được yêu cầu của đơn vị thu mua.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, để xuất khẩu được sang các quốc gia khó tính, chất lượng là vấn đề sống còn. HTX buộc phải có mã số vùng trồng do ngành chức năng của nước đó cấp. Cụ thể, muốn xuất khẩu sang Mỹ, HTX phải có mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá và cấp mã số đóng gói, các lô hàng xuất sang Mỹ cần chiếu xạ tại kho Son Son, Toàn Phát và được chuyên gia Mỹ kiểm tra, ký giấy xác nhận lô hàng.
Đối với châu Âu, thị trường này yêu cầu phải có chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận môi trường SMETA, ISO, HACCP… Hay với việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy, các HTX nếu xác định xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý.
Đảm bảo chất lượng nông sản ngay từ vùng nguyên liệu có vai trò quan trọng trong xuất khẩu. |
Hiểu được điều đó nhưng theo ông Vũ Văn Thuần, để bảo đảm quy định sản xuất là điều không đơn giản với HTX, nhất là khi sản xuất trên quy mô lớn, nhiều nông dân cùng tham gia nhưng vẫn có những nông dân chưa mạnh dạn tiếp thu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng phân thuốc khoa học, đúng quy định… Việc nắm bắt các hoạt chất trong danh sách chất cấm của từng thị trường còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật. Đây là rào cản cho việc đảm bảo chất lượng vùng sản xuất lớn hàng hóa. Trong khi vùng quy hoạch sản xuất còn đan xen cây trồng, gây khó khăn xây dựng mã số vùng trồng, đồng bộ sản xuất.
Có thể thấy, để nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính là điều không hề dễ dàng, nhất là khi các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, sạch ngày càng được các thị trường nâng lên. Trong khi nông dân, HTX dù là những người trực tiếp sản xuất nông sản nhưng lại dễ bị chịu tổn thương từ biến đổi khí hậu, sự thất thường của thị trường nên quá trình xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn gặp những khó khăn trong đảm bảo các tiêu chuẩn.
Kiểm soát chất lượng
Theo các chuyên gia, kiểm soát nông sản là hoạt động thường lệ của các nước nhập khẩu. Nhưng khi nông sản bị đưa vào danh sách cảnh báo thì chứng tỏ nông dân, HTX, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn. Ngược lại, khi vào được các thị trường như Nhật, EU, Mỹ, nông sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác.
Và để làm được điều này, vai trò của các đơn vị đầu kéo trong chuỗi cung ứng cần được phát huy nhằm thúc đẩy nông dân, HTX bảo đảm quy trình xuất khẩu, cụ thể là xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, được giám sát nghiêm ngặt từ vùng trồng đến người tiêu dùng.
Hiện, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 đang được triển khai trên địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn trên tổng diện tích gần 167.000 ha, trong đó có 250 HTX (năm 2022) và khoảng 186.000 hộ nông dân hưởng lợi trực tiếp. Những năm gần đây, tại các địa phương triển khai vùng nguyên liệu đã có thêm 70 HTX nông nghiệp và 1 Liên hiệp HTX được thành lập, nâng tổng số HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu hiện nay là 320 HTX. Ngoài ra, Nhà nước cũng đang phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có 937 HTX tham gia chuỗi lúa gạo.
Một điều thuận lợi là các HTX tham gia xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu này được tập trung đào tạo, tập huấn, hỗ trợ củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với các chuỗi liên kết, giúp bảo đảm chất và lượng hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Từ đây có thể thấy, nâng cao năng lực cho người dân, HTX trong quá trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu là rất cần thiết để giúp họ thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng nông sản xuất khẩu bị cảnh báo.
Theo các chuyên gia, trong quá trình liên kết với doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, HTX sẽ từng bước nắm được các quy định xuất khẩu. Chẳng hạn như diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu phải tối thiểu 10ha để đảm bảo xây dựng được mã số vùng trồng, đáp ứng cho xuất khẩu các thị trường như Mỹ, EU, Úc, Trung Quốc…
Ngoài ra, HTX phải kiểm tra chất lượng đất, nước tưới tiêu theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) ban hành mới nhất của Bộ NN&PTNT, đảm bảo thổ nhưỡng và nguồn nước thích hợp cho việc lựa chọn trồng cây ăn trái. Nguồn gốc cây giống phải có xuất xứ rõ ràng và có pháp nhân cung cấp cây giống, đảm bảo chất lượng nguồn cây giống đầu vào. Ngay cả nguồn lao động phải được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật trồng, canh tác.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho rằng trong xuất khẩu, việc kiểm soát chất lượng vùng nguyên liệu là điều bắt buộc nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bị vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, HTX phải đảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có các giấy tờ, công bố chất lượng, đảm bảo không sử dụng các loại thuốc trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm thu hoạch. Và muốn có được điều này, doanh nghiệp liên kết cần hướng dẫn, tập huấn cho HTX về các thuốc bảo vệ thực vật cấm, các danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam, các quy trình sản xuất… để sản xuất đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Huyền Trang