Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dù phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, nhưng chỉ số VN-Index vẫn đi lên với thanh khoản dần cải thiện.
Thanh khoản lập đỉnh
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), tháng 6/2023, thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 877,51 triệu cổ phiếu và 16.899 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 23,39% và 38,37% so với tháng 5/2023. Đây cũng là tháng mà HoSE có khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên cao nhất trong 6 tháng đầu năm.
Thanh khoản thị trường đang gia tăng theo từng tháng. |
Cũng trong tháng 6, thị trường cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có diễn biến sôi động và tăng trưởng mạnh về thanh khoản thị trường.
Với 22 phiên giao dịch được thực hiện trong tháng 6/2023, khối lượng giao dịch bình quân trên HNX đạt hơn 119 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.919 tỷ đồng/phiên, tăng 9,88% về khối lượng giao dịch và tăng 21,01% về giá trị giao dịch so với tháng trước.
Đồng thời, tháng 6/2023 cũng là tháng mà HNX có giá trị giao dịch cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, phiên giao dịch ngày 8/6/2023 có giá trị giao dịch lên tới hơn 2.650 tỷ đồng - mức giao dịch phiên cao nhất trên thị trường niêm yết HNX tính từ đầu năm đến nay. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 282.000 tỷ đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 6/2023.
Nhóm cổ phiếu HNX30 tháng 6/2023 có tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.620 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,91% khối lượng giao dịch và 76,02% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tháng thứ 9 liên tiếp với giá trị mua ròng hơn 317 tỷ đồng.
Diễn biến thanh khoản cũng ghi nhận tích cực trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch bình quân tháng 6 đạt xấp xỉ 78,93 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 910 tỷ đồng/phiên, tăng 34,82% về khối lượng và 37,62% về giá trị so với tháng 5/2023.
Tháng 6 cũng là tháng thị trường UPCoM có mức giao dịch bình quân cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, phiên 2/6 có khối lượng giao dịch cao nhất tháng, đạt 136,9 triệu cổ phiếu, cũng là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất tính từ đầu năm 2023. Phiên 22/6 có giá trị giao dịch cao nhất tháng với hơn 1.200 tỷ đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với tháng 5/2023, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 953 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 36%.
Dòng tiền “dễ dãi” vẫn khó lặp lại
Có thể thấy, việc nhà đầu tư nội quay trở lại TTCK được cho là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào sự hồi phục của thanh khoản thị trường.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5, gấp gần 5 lần lượng tài khoản mở mới so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 8/2022.
Bước ngoặt để dòng tiền nội trở lại thị trường đó là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục hạ lãi suất điều hành. Kể từ tháng 3 cho đến nay, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN đã có tới 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Không chỉ hạ lãi suất, nhiều chính sách được Chính phủ và NHNN thực hiện trong thời gian qua cũng tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng như thanh khoản thị trường.
Có thể kể đến Nghị định 08 giúp các doanh nghiệp gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu; Nghị định 10 sửa đổi bổ sung một số thi hành Luật Đất đai; Nghị định 12 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất năm 2023; Nghị định 44 giảm thuế GTGT về 8% và Quyết định 500 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII...
Trong khi đó, NHNN cũng ban hành một loạt Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Dự báo về thanh khoản thời gian tới, theo các chuyên gia, chuyển động dòng tiền (qua số tài khoản mở mới, đóng thêm tiền vào tài khoản…) đang rất mạnh. Mặt khác, dòng tiền tiết kiệm đáo hạn của người dân sẽ đi tìm kênh đầu tư mới khi lãi suất tiết kiệm giảm thấp sẽ hỗ trợ cho thanh khoản TTCK vì hiện tại, không có kênh nào đủ hấp dẫn.
“Trong giai đoạn nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có TTCK”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá.
Tương tự, trong báo cáo mới đây, quỹ Phần Lan PYN Elite Fund nhận xét, tiền gửi ngân hàng đang chảy sang chứng khoán.
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, câu chuyện dòng tiền "dễ dãi" sẽ không còn lặp lại như giai đoạn năm 2021-2022. Cùng với đó, nền kinh tế trong nước vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn như nhu cầu thế giới phục hồi yếu, rủi ro lạm phát và tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa kết thúc. Đặc biệt là nút thắt thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ nên tâm lý thận trọng sẽ chưa thể được xóa tan, dẫn tới việc thanh khoản có thể tăng mạnh về mức nền cao như trước hay không vẫn còn là câu hỏi.
Hải Giang