Cooperatives | Thứ tư, 21/2/2024 | 07:54 GMT+7
0 |

Chàng kỹ sư khởi nghiệp với hạt giống nảy mầm siêu tốc

Một chiều tháng 12, trong cái nắng vàng hanh hao của mùa đông, Lương Văn Trường xỏ đôi ủng rồi lội xuống ruộng kiểm tra chất lượng hạt giống nảy mầm siêu tốc do chính anh sáng tạo ra.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, vùng đất gắn liền với hàng loạt thương hiệu gạo trứ danh, Lương Văn Trường chưa bao giờ thôi trăn trở với đồng lúa quê hương. Vì thế, sau thời gian dài dấn thân, trải nghiệm, làm việc ở nhiều nơi, anh chọn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Khi còn bé, nhà của Trường cũng giống như bao gia đình thuần nông khác ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng sống bằng nghề làm ruộng. Những buổi theo cha mẹ làm việc trên cánh đồng ngày thơ ấu lấm lem bùn đất đã khởi lên trong lòng anh tình yêu và niềm đam mê với nông nghiệp.

“Ngày xưa, ruộng đồng quê tôi rộng mênh mông, nhưng phân tán thành những ô bàn cờ nhỏ, rất khó để cơ giới hóa. Nhà tôi cũng vậy, có 6 sào ruộng nhưng mỗi nơi một thửa. Vì vậy, tôi khao khát có một ngày sẽ hợp nhất những ô thửa nhỏ để xây dựng cánh đồng lớn”, Lương Văn Trường bồi hồi kể.

Mang theo khát khao của một cậu bé nhà quê, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trường quyết tâm theo đuổi ngành nông nghiệp và thi vào khoa công nghệ sau thu hoạch của trường Đại học Đà Lạt.

Chẳng ngạc nhiên khi Trường nhanh chóng trở thành một sinh viên xuất sắc của khoa, bởi bằng tình yêu vô bờ bến với nông nghiệp, anh như cá gặp nước, thỏa thích vùng vẫy với đam mê. Cũng chính thành tích ấn tượng trong quá trình học tập đã mở ra cơ hội cho anh sau này.

Năm 2011, khi vừa tốt nghiệp đại học, Trường lọt vào danh sách tham gia dự án 600 phó chủ tịch xã trẻ và trở thành Phó chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, chuyên trách mảng nông lâm nghiệp của địa phương từ năm 2012 đến năm 2016.

Lùng Thẩn ngày ấy còn rất nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, mạnh ai nấy làm nên cái nghèo cứ đeo bám, lương thực chính như lúa, ngô, sắn... làm ra họa may thì đủ ăn trong cả năm, nếu không may thời tiết xấu thì chỉ nửa năm là hết.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của chàng kỹ sư đầy nhiệt huyết Lương Văn Trường, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, đã thổi một làn gió mới vào ngành nông nghiệp Lùng Thẩn.

Để nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân, Trường đã tích cực tham mưu cho UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ (an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường). Cùng với các chuyên gia từ tỉnh, huyện, anh cũng trự tiếp tư vấn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho nông dân về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Đến nay, nhiều mô hình do Lương Văn Trường khởi xướng vẫn được cán bộ và người dân Lùng Thẩn nhớ đến như mô hình du lịch tham quan hoa tam giác mạch kết hợp trải nghiệm du lịch bản địa quy mô 20 ha, mô hình biogas túi ủ biến chất thải chăn nuôi thành khí gas sinh học cho 20 hộ gia đình, mô hình phát triển trồng cây mận Tả Van bản địa quy mô 10 ha…

Việc trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp ở một địa phương có xuất phát điểm thấp như Lùng Thẩn là thách thức rất lớn với chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, nhưng đây cũng chính là môi trường để anh đưa kiến thức từ sách vở ra thực tế, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

Sau 5 năm làm việc không biết mệt mỏi, với hành trang vững chắc cả về lý thuyết và kinh nghiệm thực chiến, Lường Văn Trường quyết định trở về quê hương để hiện thực hóa khát vọng ngày bé là hợp nhất những thửa ruộng nhỏ để xây dựng cánh đồng lớn hiện đại thẳng cánh cò bay.

Nhớ về những ngày đầu về quê lập nghiệp, Trường chia sẻ anh từng nghĩ 5 năm ở vùng đất Lùng Thẩn đầy nắng gió và đá tai mèo đã là trở ngại lớn nhất có thể gặp phải, nhưng rồi núi cao còn có núi cao hơn, và khó khăn còn có khó khăn hơn nữa.

Với kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến”, tự tin có thừa về khả năng của mình, nên ngay khi trở về Nam Định, Trường đã bắt tay vào sản xuất lớn mà chưa lường trước hết được những rủi ro có thể xảy ra. Có thời điểm toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng do mưa nhiều, nước không thể tiêu thoát kịp, hay sản xuất hữu cơ nhưng không có cách kiểm soát địch hại.

“Vụ mùa 2018 mưa nhiều, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết. Ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước đọng, giống lại thối. 4 - 5 tấn giống mất trắng, tôi thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”, Trường nhớ lại.

Cú rung chấn đầu tiên khi trở về quê lập nghiệp khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng của chàng kỹ sư trẻ, nhưng bản thân Trường thì không. Anh nhanh chóng vượt qua thất bại, hàn gắn lại những “vết thương” rồi quyết tâm ngã ở đâu đứng dậy ở đó.

Thấy nhiều hộ trồng lúa trong và ngoài địa phương cũng đang gặp vấn đề về chất lượng giống lúa, Trường quyết tâm nghĩ cách giúp bà con nông dân có thể bảo quản hạt giống lâu hơn, chủ động được công việc gieo trồng, từ đó nâng cao giá trị năng suất.

Trước hết, anh tìm cách xử lý kéo dài thời gian bảo quản hạt giống và từ đó cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn. Quy trình này đưa hạt giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông (hạt giống nảy mầm rồi được đưa về dạng khô, chịu lực va đập tốt), để nông dân dễ dàng sử dụng mà không bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt giống truyền thống.

Khi sử dụng hạt giống ngủ đông, nông dân không cần ngâm ủ mà mang gieo trực tiếp, hạt giống sẽ trở lại trạng thái nảy mầm trong 30 phút, tốc độ được đánh giá là “siêu tốc”. Theo tính toán, quy trình có chi phí sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Trong khi nếu người nông dân ngâm ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1 kg (gồm công, vật tư, nước, điện...) phải mất tối thiểu 10.000 đồng.

Hiện, Việt Nam trồng khoảng 7 triệu ha lúa, với khoảng 700.000 tấn giống mỗi năm. Nếu thực hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp trong nước, giúp tiết kiệm hàng triệu công lao động mỗi mùa vụ.

Đến nay, hạt giống nảy mầm siêu tốc của Lương Văn Trường đã nhận nhiều bằng khen, giải thưởng về sáng kiến khoa học, đồng thời được sử dụng rộng rãi tại Nam Định. Anh cũng thử nghiệm tại một số tỉnh khác như Thái Bình, Bạc Liêu để đánh giá sự phù hợp với các vùng miền sản xuất khác nhau.

Để nâng cao sức ảnh hưởng, năm 2021, Trường cùng các đồng nghiệp thành lập HTX thanh niên Nam Đại Dương, quy mô gần 40 ha. Ra đời vào giữa thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành căng thẳng, nhưng HTX vẫn hoạt động tốt với doanh thu lên tới 3 tỷ đồng trong năm đầu tiên và tiếp duy trì đà tăng trưởng mạnh cho tới nay.

Quy mô sản xuất toàn HTX hiện đạt trên 21 ha, với 7 thành viên sáng lập và hàng trăm thành viên liên kết. Với tư cách “thuyền trưởng” của HTX, Lương Văn Trường đã chủ động phát triển mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Với những nỗ lực và đóng góp, Lương Văn Trường được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học tỉnh Nam Định 2021, Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc...

"Chúng tôi kỳ vọng công nghệ sớm được sử dụng rộng rãi ở cả Việt Nam và thế giới, giúp nhà nông giảm thiểu rủi ro và thiệt hại mỗi khi thiên tai xảy ra và nâng cao lợi nhuận, sản xuất nhàn hơn", Trường khẳng định.

Lệ Chi

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu